Dạy tiếng Anh tự chọn lớp 1
Bộ GD&ÐT vừa có công văn hướng dẫn tổ chức dạy môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, từ năm học 2020 - 2021, các trường bắt đầu dạy tiếng Anh tự chọn cho lớp 1 theo hình thức xã hội hóa.
Đến thời điểm chốt danh sách đăng ký toàn tỉnh ta có 196 trong tổng số 218 trường tiểu học đã chọn sách và đăng ký triển khai dạy tiếng Anh tự chọn lớp 1 năm học 2020 - 2021 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các em học tiếng Anh ở thư viện xanh, Trường Tiểu học số 2 Diêu Trì.
Nhiều trường đã thí điểm
Nhiều năm trước, Sở GD&ĐT đã khuyến khích các trường dạy tiếng Anh cho lớp 1, lớp 2 theo cách cho các em làm quen để lên lớp 3, các em tiếp cận với chương trình dễ dàng hơn. TP Quy Nhơn và TX Hoài Nhơn là 2 địa phương đi đầu khi 100% các trường tiểu học đều đã triển khai. Bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT Hoài Nhơn, chia sẻ: Hai năm trước, tất cả trường tiểu học của huyện đã dạy làm quen tiếng Anh cho học sinh lớp 1, lớp 2 theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT và sự đồng thuận của phụ huynh. Do vậy, khi bắt đầu triển khai chương trình tự chọn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường nối tiếp thực hiện.
Huyện Vân Canh có 9 trường tiểu học thì chỉ 2 trường ở xã Canh Vinh đăng ký tổ chức dạy tiếng Anh tự chọn lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. 7 trường còn lại chưa thể tổ chức dạy. Ông Bùi Xuân Ngọc, Phó Trưởng phòng GD&ÐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Huyện Vĩnh Thạnh có 6 trường tiểu học thì cả 6 đều chưa đăng ký tổ chức dạy tiếng Anh tự chọn lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Nguyên nhân là không đủ giáo viên. Ở huyện Vĩnh Thạnh mỗi trường tiểu học chỉ có từ 1 - 2 giáo viên tiếng Anh, những giáo viên này dạy từ lớp 3 - lớp 5 đã vượt tiết. Cộng với địa bàn các điểm trường xa nhau - mỗi trường chính có từ 2 đến 5 điểm trường cách nhau 4 - 5 km - khiến các giáo viên không kham nổi. Còn hợp đồng giáo viên bên ngoài thì rất khó vì ở miền núi giáo viên dạy tiếng Anh không nhiều, hơn nữa tiền công cũng thấp nên không hợp đồng ngoài được. Theo quy định, chương trình tự chọn thì có thể dạy tiếng Anh hoặc tiếng dân tộc thiểu số nhưng đa số học sinh của huyện là đồng bào dân tộc thiểu số rồi nên huyện sẽ tiếp tục rà soát để hợp đồng thêm giáo viên, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất để năm tiếp theo cố gắng dạy tiếng Anh đảm bảo chương trình.
Bà Võ Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Võ Xán (huyện Tây Sơn), cho biết: Trường dạy làm quen tiếng Anh cho học sinh lớp 1, lớp 2, tất nhiên ở lứa tuổi này các cô có cách dạy nhẹ nhàng hơn để các bé yêu thích tiếng Anh trước. Học phí do phụ huynh tự trả cho giáo viên, mỗi tháng chừng 16.000 đồng. Những em thuộc hộ nghèo, cận nghèo hay có hoàn cảnh khó khăn thì không phải đóng. Nhìn chung học sinh của trường rất thích môn tiếng Anh, nhiều em đã nói thạo những mẫu câu theo tình huống đơn giản.
Thực tế cho thấy những học sinh đã được làm quen tiếng Anh ở lớp 1, lớp 2 sẽ dễ dàng học chính khóa tiếng Anh khi vào lớp 3. Cô Nguyễn Thị Thu Đông, giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học số 2 Diêu Trì, huyện Tuy Phước, chia sẻ: Dạy cho các bé nhỏ mình phải linh hoạt, thay đổi không gian dạy học như: Phòng tiếng Anh, trên lớp, dạy ở thư viện xanh ngoài trời. Học sinh học mà như chơi, chơi mà học. Cứ cái đà như vậy khi lên lớp 3 các em sẽ học tốt hơn.
Trò chuyện với em Diệp Hoàng Bảo Ngọc, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học số 2 Diêu Trì - một học sinh có thể hát trọn một bài hát tiếng Anh do cô mới dạy, Ngọc khoe: Về nhà mẹ con hay khen con sao biết tiếng Anh hay vậy, con hỏi cô giáo thì cô bảo, nó có sẵn trong đầu con từ hồi nào rồi, chỉ cần cô chỉ và con để ý là hát được thôi. Các bạn của con cũng vậy.
Còn nhiều khó khăn
Trong 3 huyện miền núi của Bình Định, An Lão là huyện duy nhất có tất cả các trường tiểu học đăng ký dạy tiếng Anh cho lớp 1 trong năm học tới. Ông Vũ Đình Luyện, chuyên viên phụ trách tiểu học (Phòng GD&ĐT An Lão), chia sẻ: Dù là ở miền núi, nhưng điều đáng mừng là phụ huynh ở An Lão nghe con được học thêm tiếng Anh đều rất mừng và ủng hộ. Dù các trường đã đăng ký dạy nhưng theo chương trình, giáo viên tiếng Anh đã phải dạy rất nhiều, chưa kể phải di chuyển, đây cũng là điều khó khăn mà cả giáo viên và nhà trường phải cùng nỗ lực. Hiện một số trường đã chủ động hợp đồng thêm giáo viên.
Không ai phủ nhận lợi ích của việc học tiếng Anh và ngành GD&ĐT cũng đang nỗ lực để cải thiện chất lượng dạy tiếng Anh trong nhà trường thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, quy định về chuẩn giáo viên cũng như đổi mới chương trình. Tuy nhiên, dạy học theo hình thức xã hội hóa không hề đơn giản. Ông Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, huyện Tuy Phước, cho biết: Khi bắt đầu cho các em làm quen với tiếng Anh, chúng tôi vận động một số DN trên địa bàn hỗ trợ chi phí. Tất nhiên là chỉ ở giai đoạn đầu thôi vì DN không thể tài trợ mãi được. Qua 2 tháng được làm quen tiếng Anh, các em cũng dạn dĩ và nói được một số từ đáng yêu nên phụ huynh rất thích. Rõ ràng việc học tiếng Anh là có lợi cho các em, khi đó nhà trường mới xin ý kiến của phụ huynh và quyết định tiếp tục hợp đồng giáo viên để dạy. Học phí bao nhiêu là do phụ huynh trực tiếp trả cho giáo viên, mọi thứ đều minh bạch.
Dù vậy, Ban giám hiệu của một số trường cho rằng xã hội hóa từ phụ huynh không bền vững và lâu dài. Nhiều trường gợi ý nên cho phép các trường trả lương cho giáo viên từ nguồn kinh phí tự chủ của các trường hoặc từ ngân sách vì dù là tiết học tự chọn nhưng không thể không dạy. Học sinh đã được học làm quen tiếng Anh từ mầm non, lên lớp 3 mới học bắt buộc, nếu lớp 1, lớp 2 không vận động xã hội hóa được, không dạy các em sẽ rất thiệt thòi và không tiếp nối được chương trình. Điều đáng mừng là tất cả những giáo viên, chuyên gia quản lý giáo dục mà chúng tôi tham vấn đều khẳng định, việc gì có lợi cho học sinh thì dù khó vẫn phải nỗ lực, không phải cách này thì ta nghĩ cách khác. Lấy học sinh là trung tâm và nhà trường với gia đình cùng lo cho các em thì chuyện gì cũng làm được.
THẢO KHUY