PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” HUYỆN VĨNH THẠNH:
Khởi sắc ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh đã tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng văn hóa, với nhiều việc làm thiết thực và hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt các khu dân cư trên địa bàn huyện.
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh đã bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống.
Về thăm các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Vĩnh Thạnh, chúng tôi thực sự vui, bởi sự đổi mới đáng kể trong từng ngôi nhà, từng đường làng, ngõ xóm. Nhiều gia đình khá giả, có tiền xây nhà khang trang, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt hiện đại, quan tâm tạo điều kiện cho con ăn học đến nơi đến chốn. Hàng năm, số lượng các làng được công nhận danh hiệu văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ được giữ vững mà còn tăng thêm. Điển hình có làng 6 xã Vĩnh Thuận, làng M2 xã Vĩnh Thịnh, đạt nhiều thành tích đáng khích lệ, trở thành điểm sáng trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Ông Đinh Bơ, Trưởng ban công tác Mặt trận làng 6, xã Vĩnh Thuận, cho biết: “Những năm qua, Ban quản lý làng đã vận động nhân dân tích cực xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Năm 2019, tất cả 32 hộ dân trong làng đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa, làng giữ vững danh hiệu làng văn hóa nhiều năm liền. Việc học của trẻ em được các gia đình quan tâm hơn. 100% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT được đến trường, hiện có 5 em đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học”.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư trên địa bàn, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể thường xuyên triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức bám sát đời sống thực tế của người dân. Từ đó, góp phần không nhỏ làm thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân. Phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện đã tích cực tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nhiều hộ gia đình đã chia sẻ, giúp đỡ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kinh nghiệm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân huyện Vĩnh Thạnh, phong trào xây dựng thôn văn hóa, làng văn hóa trên địa bàn huyện được triển khai, thực hiện một cách đồng bộ và lan tỏa rộng khắp. Sự khởi sắc ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng tạo những chuyển biến tích cực chung trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Vĩnh Thạnh. Trong năm 2019, huyện có 54/59 khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa (đạt tỷ lệ 91,5%). Đến nay, 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, các trục đường liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa. Tất cả các xã có đủ trường, lớp học; có lớp bán trú cho học sinh ở những nơi xa trường như xã vùng cao Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim. 99,2% số hộ sử dụng điện sinh hoạt; 9/9 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế… Sự đầu tư hạ tầng mạnh mẽ đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện. Đây cũng chính là nền tảng, động lực để đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Ông Đinh A Zơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Thạnh, đánh giá: “Thông qua các cuộc vận động, các thôn, làng đã xây dựng được nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Từ đó, góp phần không nhỏ làm thay đổi nhận thức của người dân để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
NGỌC ÁNH