Phụ nữ với phát triển nông nghiệp và thúc đẩy bình đẳng giới: Hiệu quả từ một dự án
Triển khai từ năm 2016, Dự án “Tăng cường cơ hội cho doanh nghiệp nữ/ Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp” tại Bình Ðịnh đã kết thúc với cả 2 mục tiêu: Kinh tế, vị thế xã hội cho phụ nữ và bình đẳng giới đều đạt những kết quả ấn tượng.
Tại Bình Định, Dự án “Tăng cường cơ hội cho DN nữ/ Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp” (FLOW/EOWE, do Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tài trợ, sau đây gọi tắt là Dự án) được thực hiện tại 11 xã, phường thuộc TX Hoài Nhơn và các huyện Tuy Phước, Tây Sơn.
Từ hỗ trợ về kinh tế...
Theo Sở NN&PTNT, qua 5 năm thực hiện, 2 mục tiêu chính của Dự án: Năng suất đạt cao hơn, thu nhập tăng trên 20% so với sản xuất truyền thống và có ít nhất 50% số lượng phụ nữ tham gia được tập huấn, nắm rõ về kỹ thuật sản xuất đã đạt và vượt.
Theo đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp (như thâm canh lúa cải tiến SRI, thâm canh dừa theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất đậu phụng theo chuỗi, phát triển chuỗi giá trị dừa, sản xuất nấm rơm…) cho thu nhập tăng trung bình 22 - 26%. Có trên 100 nghìn lượt nông dân được tập huấn, nắm bắt về kỹ thuật sản xuất đồng thời tiếp cận, chuyển biến nhận thức về bình đẳng giới (BĐG). Tỷ lệ nữ tham gia các hoạt động đạt 86% (chỉ tiêu ít nhất 50%). Có 7 nữ được bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý tại các HTX, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong thời gian tham gia Dự án. Có 8 cơ sở, DN mới thành lập do nữ lãnh đạo, quản lý được Dự án hỗ trợ…
SNV trao hỗ trợ cho 8 HTX, DN, cơ sở nữ làm chủ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo chị Lê Thị Kim Nhường, Phó Giám đốc HTXNN Ngọc An (TX Hoài Nhơn), tham gia Dự án từ vụ Đông Xuân 2016 - 2017, hộ thành viên được hỗ trợ vật tư, dụng cụ lao động, bảo hộ lao động và tập huấn kỹ thuật để thâm canh cải tiến lúa SRI, thâm canh tăng năng suất dừa, nhờ đó đem lại năng suất cao, tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, nhược điểm mẫu mã bao bì chưa phù hợp với thị hiếu thị trường, khả năng tiếp thị, quảng bá của đội ngũ nhân viên còn hạn chế đã được khắc phục.
“Riêng tôi may mắn tiếp cận Dự án từ năm đầu tiên, từ một nhân viên ít nói, nhút nhát đã được tín nhiệm tham gia công tác quản lý. Đặc biệt, Dự án còn tạo ra sự kết nối giữa các HTX, DN, tổ liên kết sản xuất, người lao động để giao lưu, học hỏi, chia sẻ, hỗ trợ về công việc cũng như cuộc sống. Dự án thật sự đã tạo nên một gia đình - gia đình SNV”, chị Nhường nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thị Tố Trân, cùng với hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả kinh tế, Dự án đã tạo ra hiệu quả xã hội, rõ nhất là ở các mô hình, dự án thâm canh lúa cải tiến SRI. Đó là việc hình thành tư duy sản xuất tập trung, tạo gắn kết giữa HTX với bà con nông dân và DN. Nữ nông dân được nâng cao vai trò, vị thế tham gia phát triển sản xuất, khẳng định năng lực bản thân thông qua sự thể hiện và uy tín của nữ lãnh đạo ở các HTXNN, nữ trưởng nhóm, phó nhóm nông dân trong quá trình thực hiện các mô hình, dự án…
... đến thúc đẩy bình đẳng giới
Đáng chú ý, mọi hoạt động của Dự án đều được khéo léo lồng ghép BĐG, tạo ra đợt truyền thông dài hạn và sâu rộng với nhiều hình thức, hoạt động đa dạng, thu hút. Phát huy hiệu quả của từng loại hình và tươi mới “thực đơn” tuyên truyền bằng nhiều cách thức như: Hội thi “Tìm hiểu kiến thức giới, kỹ năng lãnh đạo nhóm và liên kết, hợp tác, sáng tạo trong sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp”, ngày hội truyền thông cấp xã và sinh hoạt theo nhóm hộ gia đình - chủ đề “Nam giới chia sẻ việc nhà”, “Thuận vợ, thuận chồng”, tọa đàm “Chia sẻ kết quả thực hiện BĐG trong hộ gia đình”, “Kể câu chuyện BĐG qua ảnh”... đã tạo nên những chuyển biến rõ nét về BĐG.
Tại buổi tổng kết Dự án, khách mời đặc biệt là những cặp vợ chồng đạt giải cuộc thi “San sẻ là yêu thương” - hình thức nhân vật tự kể câu chuyện BĐG bằng ảnh. Với máy ảnh Dự án cho mượn, cách chụp được các thúc đẩy viên về BĐG của Dự án tận tình hướng dẫn, ngay cả những cặp vợ chồng tuổi trung niên cũng hứng khởi với cuộc thi mới mẻ, ý nghĩa đó. Không gian trong ảnh là trên thửa ruộng, mảnh vườn, ngôi nhà, gắn với những hình ảnh sinh hoạt đời thường giản dị, đầm ấm: Cùng ra đồng, cùng vào bếp, cùng chia sẻ trách nhiệm, bình đẳng và thống nhất trong bàn bạc, quyết định mọi việc lớn, nhỏ trong nhà… Trìu mến nhìn vợ - bà Trần Thị Thật - đang trên sân khấu tự tin nói về những lợi ích Dự án mang lại cho gia đình, ông Đặng Minh Cường (ở phường Hoài Thanh Tây - TX Hoài Nhơn), chia sẻ: “Tham gia trong tâm thế thụ động - trước thuyết phục của vợ con và Hội LHPN phường, các thúc đẩy viên, tôi vẫn nghĩ “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Nhưng rồi, không chỉ con ở xa về ngạc nhiên, vui mừng mà chính tôi cũng bất ngờ với sự thay đổi ở mình”.
SAO LY