Gạch xây Ðàn Nam Giao, nơi Nguyễn Huệ lên ngôi
Trên đường tiến quân ra Bắc, tại Núi Bân (thôn Tứ Tây, xã Thủy An, nay là phường Thủy An, TP Huế), người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ cho lập đàn tế cáo trời đất lên ngôi hoàng đế. Hiện Bảo tàng Quang Trung có lưu giữ viên gạch đất nung xây Đàn Nam Giao ở Núi Bân. Tuy viên gạch không có gì đặc biệt so với những viên gạch khác nhưng nó là kỷ niệm, lưu dấu một chặng đường của nhà Tây Sơn.
Ngày đó, hoàng đế Quang Trung đã chọn ngọn núi thấp nhất để xây dựng Đàn Nam Giao, quanh chân núi có khoảng không gian rộng để binh sĩ đứng. Trên đỉnh đàn tế được tạo thành 3 tầng hình nón cụt chồng lên nhau. Đường lên đàn theo bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Sau khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc, người ta dùng gạch, đá bó vỉa quanh 3 tầng đàn.
Núi Bân là thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của TP Huế, khu tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung tại Núi Bân rộng 9,5 ha. Tại đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng tượng đài Quang Trung sừng sững với chiều cao 21 m được làm bằng đá hoa cương, trong đó, phần tượng cao 12 m, phần đế cao 9 m. Ngoài ra, phía sau tượng đài có bức phù điêu dài gần 60 m miêu tả quá trình từ lúc khởi nghiệp của nghĩa quân Tây Sơn đến lúc Hoàng đế Quang Trung phát lệnh tiến quân ra Bắc. Bên cạnh đó là lời thề của vua Quang Trung trước khi tiến quân đánh tan 29 vạn quân Thanh: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…”.
Khu tưởng niệm ở Núi Bân là không gian tạo cảm giác rất gần gũi. Người dân ở đây thường đi bộ tập thể dục, lên núi ngắm bình minh vào buổi sáng. Buổi chiều thanh niên chơi bóng chuyền, cầu lông, người lớn tản bộ. Đặc biệt, những ngày lễ, ngày giỗ vua Quang Trung, ngày tựu trường, ngày kết thúc năm học, Hội sinh viên Bình Định tại Huế đến dâng hương người anh hùng của miền đất Võ.
THẢO YÊN