Xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo: Còn nhiều việc phải làm
UBND tỉnh đã ban hành Ðề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Ðịnh, giai đoạn 2019 - 2025” nhằm đẩy mạnh hỗ trợ, hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Nhưng để hiện thực hóa mục tiêu này, còn nhiều việc phải làm.
Kỹ sư trẻ Phan Kim Nhật Quỳnh khởi nghiệp thành công từ trồng nấm rơm theo hướng hữu cơ.
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) thông qua các chương trình tư vấn, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp hằng năm và kết nối các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp nhằm giúp các bạn trẻ có định hướng, cách tiếp cận tốt với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Mục tiêu là hướng đến hình thành và xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp thật sự có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Sở KH&CN đang duy trì một không gian chung dành cho hoạt động khởi nghiệp (BiHub), trong khi Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST dự kiến thành lập trong năm nay để hỗ trợ hoạt động và liên kết các tổ chức thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp ĐMST.
Giành giải đặc biệt tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Định năm 2019, Phan Kim Nhật Quỳnh (SN 1988, TX An Nhơn) đã mạnh dạn đầu tư vốn, mở rộng mô hình sản xuất nấm rơm theo hướng hữu cơ. Từ chỗ chỉ có 2 gian nhà trồng nấm diện tích 80 m2, đến nay Quỳnh đã phát triển 12 gian với 1.000 m2, cung ứng cho thị trường 50 kg nấm tươi/ngày. Sản phẩm nấm rơm của Quỳnh đã có mặt nhiều địa phương trong tỉnh, mang lại doanh thu hơn 100 triệu đồng/tháng. “Tốt nghiệp Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn và có thời gian dài nghiên cứu về nấm tại nhiều địa phương, nhưng chỉ sau khi tham dự cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh, tham gia các khóa tập huấn cùng sự tư vấn, định hướng từ chuyên gia, tôi mới xác định được thế mạnh của mình để mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất”, Quỳnh chia sẻ.
Tương tự, thành công từ cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh năm 2019 đã tạo động lực để Trương Thị Xuân Hòa (TX An Nhơn) mở rộng mô hình sản xuất “Sản phẩm Vang Nếp Belifoods”. Hòa cho hay: “Cuộc thi đã kết nối tôi với nhiều thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp từ chuyên gia tư vấn, cộng đồng khởi nghiệp, đến nhà đầu tư và các cơ quan liên quan. Từ 1 dòng sản phẩm, đến nay tôi đã phát triển thêm 3 dòng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Mạng lưới tiêu thụ cũng được mở rộng, nhờ đó số lượng tiêu thụ tăng cao hơn, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng”.
Ông Lương Đình Tiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, cho biết: Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo hằng năm đã truyền cảm hứng cho nhiều ĐVTN khởi nghiệp thành công, đặc biệt ĐVTN tại các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh. Hằng năm đã có nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo được tỉnh lựa chọn hỗ trợ ươm tạo.
Sản phẩm “Vang Nếp Belifoods” của Trương Thị Xuân Hòa được khách hàng ưa chuộng.
Theo Th.S Trần Đình Chương, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Bình Định đã triển khai chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST ngay đầu năm 2016. Trong vai trò là đầu mối thực hiện nhiệm vụ này, hằng năm, Sở KH&CN phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức khoảng 10 sự kiện kết nối, tư vấn đào tạo cho các cá nhân, DN có ý tưởng khởi nghiệp. Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo được tổ chức hằng năm và có khoảng 30 cá nhân, nhóm khởi nghiệp được lựa chọn tư vấn nhằm hoàn thiện mô hình DN. Tuy nhiên, ông Chương cũng cho rằng, số lượng DN Khởi nghiệp sáng tạo còn ít, mà một trong những nguyên nhân chính là thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn khởi nghiệp và thiếu mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp.
Trong vai trò tư vấn, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Bình Định, ông Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (TP Đà Nẵng), nhận định: Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Bình Định vẫn trong giai đoạn bắt đầu. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp chưa thường xuyên và chưa có chiến lược thống nhất giữa các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Hoạt động nghiên cứu khoa học, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên, sinh viên nhìn chung còn thiếu tính thực tế và tính sáng tạo; sinh viên chưa được trang bị hoàn chỉnh kỹ năng ĐMST và kỹ năng khởi nghiệp. Ngoài ra, các DN khởi nghiệp ĐMST gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, cố vấn, tư vấn, đào tạo khởi nghiệp và tiếp cận tài chính, nguồn nhân lực.
HỒNG HÀ