Thư viện cộng đồng phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn): Khơi nguồn cảm hứng đọc sách
Nhiều năm qua, Thư viện cộng đồng phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) đã trở thành địa chỉ quen thuộc không chỉ của học sinh địa phương mà còn khơi nguồn cảm hứng đọc sách cho một số phụ huynh vùng biển.
Thấu hiểu được những khó khăn, thiếu vốn về nguồn sách, báo, tư liệu phục vụ cho việc học tập của học sinh ở địa phương, năm 2015, chị Trần Thị Thủy (ở khu phố Thiện Chánh 1, phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn) tạm gác công tác tại TP Hồ Chí Minh và trở về quê hương lập nhà sách Vạn Đông An.
Đến năm 2017, được xã Tam Quan Bắc (nay là phường Tam Quan Bắc) cho mượn một phòng rộng 70 m2 nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa để lập thư viện, chị Thủy chuyển toàn bộ sách từ nhà sách Vạn Đông An về đây để phục vụ cộng đồng. Nhận thấy nhu cầu đọc sách của người dân, đặc biệt là học sinh ngày một lớn và để tiện cho công tác quản lý, theo dõi; tháng 9.2019, chị Thủy đã đề xuất UBND phường Tam Quan Bắc chuyển giao toàn bộ sách, báo ở thư viện cho phường để thành lập Thư viện cộng đồng phường Tam Quan Bắc.
Học sinh dễ dàng tìm sách hay để đọc tại Thư viện cộng đồng phường Tam Quan Bắc.
Từ đó đến nay, thư viện luôn mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần và trở thành một điểm đến đọc sách, mượn sách quen thuộc của nhiều phụ huynh, học sinh ở địa phương. Chị Trần Thị Thủy, thủ thư Thư viện cộng đồng phường Tam Quan Bắc, cho biết: “Với 1.300 bản sách các loại, hằng ngày, thư viện phường thu hút bình quân từ 70 - 100 lượt bạn đọc đến đọc, mượn sách. Để nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, thư viện phường đã phối hợp với Thư viện tỉnh luân đổi sách theo chu kỳ 2 tháng/lần (200 bản sách/lần)”.
Cầm cuốn sách tựa đề “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, em Lê Thị Thu Hiền (ở khu phố Tân Thành 1), học sinh lớp 8A4, Trường THCS phường Tam Quan Bắc, chia sẻ: “Em thường ghé thư viện phường tìm sách đọc vào lúc rảnh rỗi. So với năm học cấp tiểu học, giờ đây việc tìm, chọn những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi học sinh của chúng em đã dễ dàng. Ở thư viện này ngoài sách ở lĩnh vực tin học, văn học, khoa học, toán học, lịch sử, truyện tranh… thì còn có nhiều sách tâm lý học đường với nội dung bổ ích, dí dỏm, dẫn chứng sinh động đã bổ trợ kiến thức cho chúng em nhiều. Hơn nữa khi cùng nhau đọc sách ở thư viện như vầy, tụi em còn có thêm cơ hội trao đổi, chỉ cho nhau những cuốn sách hay”.
Để thu hút bạn đọc đến thư viện và tạo cảm hứng đọc sách cho học sinh, thủ thư ở đây tổ chức nhiều hình thức sáng tạo, như: Giới thiệu sách hay lên trang Facebook và Zalo cá nhân; tổ chức một số cuộc thi “Viết cảm xúc về sách thư viện”, “Kể chuyện về sách”, tổ chức “Ngày hội đọc sách” tại các trường học... Ông Nguyễn Khắc Khương, công chức văn hóa - xã hội (UBND phường Tam Quan Bắc), cho biết: “Vốn là địa bàn không có thư viện sách, đến nay, học sinh, phụ huynh ở địa phương đã có thể tìm được nhiều bản sách hay phục vụ cho việc học và sinh hoạt cuộc sống hằng ngày. Thời gian tới, phường tiếp tục bổ sung thêm nhiều đầu sách hay, đa dạng và phong phú về nội dung, phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Thư viện tỉnh làm công tác luân chuyển đầu sách, phục vụ tốt nhất nhu cầu đọc sách cho người dân và học sinh ở địa phương”.
Để tạo cho học sinh có được thói quen tiếp xúc hằng ngày với tri thức mới qua những trang sách, thì việc xây dựng không gian văn hóa đọc ở cộng đồng là hết sức quan trọng. Ông Trần Xuân Nhất, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, nhận xét: “Thư viện cộng đồng phường Tam Quan Bắc là một ví dụ điển hình về làm tốt công tác quản lý, luân chuyển sách, phục vụ tốt nhu cầu đọc sách cho nhân dân; góp phần không nhỏ hiện thực hóa kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh”.
AN NHIÊN