Xây dựng nhanh nền hành chính nhà nước hiện đại
Năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong tỉnh được nâng lên là một trong những kết quả nổi bật của nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ðây là nền tảng quan trọng để Bình Ðịnh tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng nền hành chính nhà nước hiện đại, hoạt động thông suốt, đạt hiệu quả cao nhất.
Tinh gọn, hiện đại, hiệu quả
Vận dụng linh hoạt các chủ trương của Trung ương vào thực tiễn địa phương, bộ máy chính quyền các cấp ở tỉnh tiếp tục được củng cố kiện toàn. Các cơ quan chức năng đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; rà soát, sắp xếp các cơ quan hành chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đáng chú ý, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và DN. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được nâng cao, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được duy trì, mở rộng và mang lại hiệu quả thực chất, đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn.
Tiếp nhận hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
“100% các cơ quan hành chính cấp tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 100% UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Mức độ hài lòng của người dân, DN, tổ chức về dịch vụ hành chính công đạt 82%; dịch vụ công trên lĩnh vực y tế, giáo dục đạt trên 80%”, Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang cho hay.
Đặc biệt, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, 7,2% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ chuyên môn sau đại học và tương đương. 96,8% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó trên 70,6% có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên.
Bên cạnh đó, cải cách tài chính công có nhiều chuyển biến, góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, tăng tính công khai minh bạch trong thực hiện ngân sách. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính bước đầu phát huy hiệu quả theo hướng “chính quyền điện tử”.
Theo lãnh đạo huyện Phù Cát, những chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, nhất là về cải cách TTHC đã góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, trong đó đáng kể nhất là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư. Thực tiễn công tác thu hút đầu tư đối với một số dự án tại huyện Phù Cát thời gian qua là minh chứng cụ thể.
Cải cách thủ tục hành chính là trọng tâm
Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 20.10.2016 của Tỉnh ủy về “Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020” đã khép lại với nhiều thành quả quan trọng. Tiếp nối thành công đó, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh về “Đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025” đã được dự thảo trình Đại hội.
Cờ, pa nô, khẩu hiệu được trang trí rực rỡ trên đường phố Quy Nhơn chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Ảnh: VĂN LƯU
Theo đó, mục tiêu chung đặt ra là xây dựng nhanh nền hành chính nhà nước hiện đại, dựa trên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người dân, tổ chức, DN. Đồng thời, nâng cao hiệu quả cải cách TTHC; giảm tối đa chi phí và thời gian tuân thủ đối với người dân, DN; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực cho phát triển KT-XH.
Cùng với đó là xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền; thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương. Cuối cùng là đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển KT-XH và đời sống nhân dân; thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện để phát triển đồng bộ chính quyền số với kinh tế số, xã hội số.
Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện đạt mục tiêu đó là đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng công khai, minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư phát triển KT-XH. Cụ thể, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách TTHC. Chỉ đạo thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc rà soát, kiến nghị đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tạo điều kiện để người dân, tổ chức, DN thực hiện quyền giám sát quy trình giải quyết.
Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục hoàn thiện các quy trình giải quyết các TTHC, nhất là các thủ tục liên thông giữa các ngành, các cấp; thực hiện kiểm soát trách nhiệm giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; giảm nhanh tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn, nhất là ở cấp xã, nghiêm túc xin lỗi người dân, tổ chức và DN khi để xảy ra trễ hẹn.
Đặc biệt, gắn chặt cải cách TTHC với xây dựng chính quyền điện tử. Hoàn thiện các hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công các cấp kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính công của những đối tượng khó khăn, đặc thù. Thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025
● Phấn đấu kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm sau cao hơn năm trước; chỉ số hài lòng của người dân và DN đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt từ 90% trở lên.
● Tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; giảm 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020; phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.
● Từ 80% trở lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
● Tỷ lệ hồ sơ công việc (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật) được xử lý trên môi trường mạng đạt từ 90% đối với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 80% đối với cấp huyện và 60% đối với UBND cấp xã.
NGUYỄN VĂN TRANG