Cờ Tài Lương mãi phất phới bay
“Khí anh hùng vùn vụt tựa phong ba/ Cờ phất phới Tài Lương, An Thái/ Thân chẳng quản cài chông, đạp tuyết/ Vì lợi quyền nên quyết chí xông pha”. Ðó là lời truy điệu hào hùng dành cho những người hy sinh trong cuộc biểu tình của nhân dân Hoài Nhơn tại Cây số 7 Tài Lương năm 1931. Cũng nơi này giờ đã sừng sững một di tích lịch sử, để ngọn cờ cách mạng mãi bay phất phới...
Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương.
NGÙN NGỤT KHÍ THẾ CÁCH MẠNG
Giai đoạn 1930 - 1931, phong trào cách mạng tại Bình Định có những bước phát triển vượt bậc về lực lượng cách mạng, đặc biệt là sự lãnh đạo của Đảng. Sự đàn áp khốc liệt của chính quyền thực dân không làm đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước ở Bình Định nao núng. Ngược lại, càng thúc đẩy ý chí đấu tranh chống áp bức cường quyền, muốn góp tiếng nói chung vào cao trào cách mạng rộng lớn, mạnh mẽ của nhân dân cả nước.
“Chúng ta tự hào và phải có trách nhiệm làm thế nào để sự kiện sống mãi, tiếp tục bùng lên ngọn lửa cách mạng cho hiện tại và mãi mãi về sau. Bên cạnh đầu tư thích đáng để xây dựng, tôn tạo khu di tích xứng đáng với tầm vóc của sự kiện, tôi đề nghị cần tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, biên soạn một tập sách đầy đủ để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ”.
Ðồng chí NGUYỄN DUY QUÝ, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn (nay là Thị ủy Hoài Nhơn)
Thực hiện chủ trương ủng hộ, đoàn kết với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Ngãi của Xứ ủy Trung Kỳ, khi phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi vừa lắng xuống, Đảng bộ Hoài Nhơn đã chủ trương tổ chức một cuộc đấu tranh cách mạng vang dội. Cuộc biểu tình lịch sử đã diễn ra đêm 22, rạng sáng ngày 23.7.1931 tại Cây số 7 Tài Lương.
Dưới dự lãnh đạo của Đảng, được sự hỗ trợ của lực lượng Tự vệ đỏ, cuộc đấu tranh thu hút hơn 3.000 người tham gia. Cuộc biểu tình trở thành cuộc bạo động, đoàn biểu tình trấn áp đoàn phu, thám báo, đốt trụi các điếm canh, bắt 2 chánh tổng, đốt cháy xe ô tô của đồn lính khố xanh Bồng Sơn...
Hoảng sợ trước cuộc đấu tranh rầm rộ của các tầng lớp nhân dân Hoài Nhơn, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, 13 đảng viên và quần chúng bị hy sinh, nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt giam, bị kết án tử hình, tù chung thân hay lưu đày tại các nhà lao.
Tuy bị đàn áp đẫm máu, song cuộc biểu tình đêm 22 rạng ngày 23.7.1931 tại Tài Lương là đòn tiến công quyết liệt, làm lung lay bộ máy chính quyền địch. Đồng thời, khẳng định sự lớn mạnh của Đảng bộ và phong trào cách mạng huyện Hoài Nhơn lúc bấy giờ.
Theo TS Đoàn Thị Hương và ThS Trần Tuấn Sơn (Viện Lịch sử Đảng), trước sự kiện này, nhiều cuộc biểu tình cách mạng ở Bình Định, Quảng Ngãi chủ yếu diễn ra dưới hình thức đấu tranh quân sự hoặc đấu tranh chính trị, thiếu sự kết hợp. Nhiều phong trào đấu tranh cách mạng dù giành được những kết quả nhất định song lại chịu tổn thất khá lớn. Sự khác biệt được tạo ra trong cuộc biểu tình tại cây số 7 Tài Lương, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hoài Nhơn, lực lượng chính trị trong các mũi tiến công của quần chúng luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ của địa phương và lực lượng tự vệ. Đoàn biểu tình đi tới đâu đều có các đội Tự vệ đỏ làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, củng cố tinh thần, đồng thời trấn áp, ngăn chặn những hành động phá hoại của địch.
Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Hoài Nhơn 1930 - 1975, “Cuộc biểu tình vũ trang ngày 22 - 23.7 là trận đấu đầu tiên đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống cơ cấu chính quyền của đế quốc và phong kiến trong huyện, là biểu hiện của nghị lực cách mạng phi thường của quần chúng Cách mạng và đó là bước tạo lực và tạo thế cho các cao trào cách mạng tiếp sau”. Còn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định 1930 - 1945 khẳng định cuộc biểu tình “tiêu biểu cho khí thế đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân Bình Định trong cao trào 1930 - 1931”.
SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN
Ngày 26.1.2011, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL có Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia cho Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương. Kỷ niệm 85 năm sự kiện đặc biệt này, Hội thảo khoa học về cuộc biểu tình đã được tổ chức ngày 23.7.2016, đưa ra nhiều góc nhìn, cách đánh giá toàn diện, chính xác.
Và để sự kiện trọng đại này sống mãi cùng thời gian, công trình Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương đã được xây dựng ở phường Hoài Thanh Tây với diện tích công trình theo quy hoạch gần 25.500 m2, tổng mức đầu tư hơn 41,5 tỷ đồng. Các hạng mục xây dựng gồm nhà quản lý, đón tiếp khách; nhà tưởng niệm; tường rào, cổng ngõ; tấm bia ghi lịch sử khu di tích; cột cờ Tổ quốc và cờ Đảng; chòi nghỉ...
Bí thư Thị ủy - Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Phạm Trương rất tâm đắc với công trình này. Bởi, giữ gìn, phát huy văn hóa lịch sử là nền tảng quan trọng đối với bất cứ địa phương nào trong quá trình phát triển KT-XH. Còn Bí thư Đảng ủy phường Hoài Thanh Tây Nguyễn Văn Phượng thì tin tưởng: “Di tích sau khi đi vào hoạt động sẽ là một “địa chỉ đỏ”, là nơi giáo dục truyền thống hữu hiệu cho thế hệ trẻ”.
Bên cạnh các hạng mục xây dựng cơ bản đang ở giai đoạn hoàn thiện, Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn đang tích cực sưu tầm thêm hiện vật, lên phương án tổ chức trưng bày. Phó Giám đốc Trung tâm Hồ Khắc Cầu đã trực tiếp đến Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh để nghiên cứu, tham khảo cách thức trưng bày.
“Không chỉ phản ánh trung thực diễn biến lịch sử của cuộc biểu tình thông qua sa bàn minh họa, kết quả ý nghĩa cuộc biểu tình thông qua tư liệu, hiện vật gốc, tài liệu khoa học đã được công nhận, nội dung trưng bày còn gắn với truyền thống của TX Hoài Nhơn, các điểm du lịch văn hóa - lịch sử trên địa bàn... Hình thức trưng bày vừa mang tính dân tộc, vừa hiện đại, sinh động hấp dẫn, đảm bảo tính đồng bộ giữa nội dung và mỹ thuật”, ông Cầu cho hay.
* * *
Còn nhớ, nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2018), ngày 2.2.2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đến thăm, tặng quà đồng chí Đoàn Quang Cần (người em thứ 16 của đồng chí Đoàn Tính, 1 trong 5 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Cửu Lợi - chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên trên quê hương cách mạng Hoài Nhơn vào tháng 8.1930), nhà ngay cạnh Di tích. Siết tay Chủ tịch, ông Cần rành rọt bày tỏ mong mỏi sớm có công trình xứng tầm để lưu giữ truyền thống cách mạng. Di tích nay đã thành hình, nhưng người cán bộ lão thành cách mạng đã không còn.
Giữa công trình Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương hôm nay vẫn còn tấm bia tưởng niệm cũ. Phía sau là nhà tưởng niệm mới xây, bề thế, khang trang, để ghi dấu về một thời hào hùng của lịch sử.
HOÀI NHÂN