Diệt bọ gậy kém hiệu quả, sốt xuất huyết tăng mạnh !
Bất chấp những nỗ lực phòng chống dịch sốt xuất huyết, số ca bệnh vẫn tăng mạnh. Vấn đề nằm ở ý thức cộng đồng chưa cao; chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của ban, ngành, đoàn thể; chiến dịch diệt bọ gậy ở một số địa phương còn mang tính hình thức...
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, đến ngày 16.10, toàn tỉnh có 4.926 ca sốt xuất huyết (SXH), 1 ca tử vong; 305 ổ dịch. Từ tháng 1 - 7, số mắc SXH từ 375 - 570 ca/tháng, trong tháng 8, số ca mắc giảm, nhưng tháng 9 lại tăng mạnh với 888 ca (gấp 1,5 lần); đầu tháng 10 đến nay có 487 ca.
Xử lý bọ gậy, muỗi không hiệu quả
Đến ngày 16.10, Hoài Nhơn có 968 ca bệnh, ổ dịch SXH cũng chạm ngưỡng của cả năm trước là 63 ổ dịch. 17/17 phường, xã của thị xã có ca bệnh SXH, nhiều nơi tăng vọt, như: Hoài Hảo, Hoài Châu Bắc, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Tân… Gần nhất là tuần 42 (từ ngày 9 - 15.10), địa phương có 68 ca mắc, tăng 23 ca so với tuần trước đó.
Phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống SXH.
Theo Phó Giám đốc TTYT TX Hoài Nhơn Trần Thị Lệ Kiều, thời tiết mưa - nắng liên tục, nhiều công trình xây dựng, nhà trọ, lán trại… là môi trường thuận lợi cho muỗi và bọ gậy phát sinh, phát triển, khó kiểm soát triệt để. Trong khi đó, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa kịp thời, tổ chức diệt bọ gậy chưa thường xuyên, chưa hiệu quả. Sau xử lý ổ dịch và điểm nguy cơ, chỉ số mật độ muỗi (DI) giảm, nhưng chỉ số bọ gậy (BI) vẫn rất cao nên số ca mắc SXH tăng trở lại. “Từ tháng 9 đến nay, chúng tôi mở rộng xử lý hóa chất cho ổ dịch từ bán kính 200 m trở lên, nhưng vẫn không “hạ nhiệt” vì chưa đảm bảo diệt bọ gậy triệt để”, bà Kiều nói.
Ngoài TX Hoài Nhơn, đến nay, số ca mắc tại các địa phương đều ở mức cao, như: Tây Sơn (764 ca, 26 ổ dịch), Quy Nhơn (539 ca, 30 ổ dịch), Phù Mỹ (518 ca, 31 ổ dịch), An Nhơn (473 ca, 29 ổ dịch), Tuy Phước (470 ca, 30 ổ dịch), Phù Cát (446 ca, 31 ổ dịch)…
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc CDC tỉnh, lý giải, nguyên nhân khách quan SXH tăng là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; sự thay đổi về dịch tễ của bệnh, đồng thời lưu hành nhiều tuýp vi rút, muỗi Aedes tăng khả năng chịu đựng với hóa chất. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là thói quen sinh hoạt của người dân tạo môi trường sinh cảnh rất thuận lợi cho muỗi Aedes phát triển, ổ chứa bọ gậy rất đa dạng (xô, chum, chậu chứa nước sinh hoạt, chậu nước lau nhà, máng nước phục vụ chăn nuôi, chậu cây cảnh, lốp xe hỏng; vật thải ở cơ sở sản xuất, quán cà phê, quán ăn uống...), trong khi người dân chưa có ý thức loại bỏ ổ bọ gậy. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19, công tác chỉ đạo phòng chống SXH ở một số địa phương chưa được chú trọng đúng mức.
Mỗi gia đình dành 15 phút/ngày để kiểm tra và diệt bọ gậy
Giám sát tại các địa phương “nóng” về SXH của CDC tỉnh cho thấy, sau xử lý diệt bọ gậy và phun hóa chất, chỉ số BI ở tất cả các điểm còn rất cao (Hoài Nhơn từ 44,4 - 113,3; Phù Cát từ 30,4 - 53,3; Tây Sơn từ 83,3 - 93,3), chứng tỏ công tác diệt bọ gậy chưa đạt yêu cầu, dẫn đến việc xử lý ổ dịch và xử lý chủ động không đạt kết quả. Nguy cơ xảy ra dịch trên diện rộng nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, sự tích cực vào cuộc của địa phương và người dân.
Duy trì diệt bọ gậy hằng tuần
Bộ Y tế cảnh báo, SXH gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung ở một số tỉnh, thành, trong đó có Bình Ðịnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh yêu cầu các TTYT tuyến huyện xác định khu vực nguy cơ cao, tham mưu chính quyền địa phương tổ chức diệt bọ gậy hiệu quả, bảo đảm chỉ số BI xuống dưới 10. Duy trì diệt bọ gậy 1 tuần/lần tại địa phương có ổ dịch, ít nhất 2 tuần/lần ở vùng còn lại cho đến hết mùa mưa. Bảo đảm 100% ổ dịch được điều tra, xử lý trong 48 giờ, không để dịch kéo dài và lan rộng.
Hiện nay, giải pháp chính để phòng, chống SXH là giảm muỗi thông qua việc giảm bớt các dụng cụ chứa nước là nơi sản sinh ra bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, nâng cao nhận thức, hành động của người dân về phòng bệnh... Cơ bản nhất là kiểm tra và diệt sạch bọ gậy, bởi vùng dịch tễ lưu hành SXH như Bình Định thì bất cứ ở đâu có vật dụng chứa nước, muỗi đều có thể đẻ trứng.
Để làm được điều này, trước hết phải có sự chỉ đạo kiên quyết của chính quyền địa phương, huy động lực lượng “đi từng nhà, kiểm tra từng dụng cụ chứa nước” và loại bỏ ổ bọ gậy. Tiếp tục vận động người dân tự giác kiểm tra, loại bỏ ổ chứa bọ gậy trong và xung quanh gia đình, “mỗi gia đình dành 15 phút/ngày để kiểm tra và diệt bọ gậy tại nhà”. Tăng cường kiểm tra quán ăn uống, cơ sở sản xuất về diệt bọ gậy, chế tài xử lý hành chính.
“Một kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19 có thể áp dụng cho SXH là thành lập các tổ cộng đồng nhắc nhở, kiểm tra, kiểm soát ổ chứa bọ gậy. Mặt khác, y tế địa phương cũng phải tích cực phát hiện, phối hợp với chính quyền tổ chức xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch”, ông Lân nhấn mạnh.
MAI HOÀNG