Quản lý thông tin dữ liệu bom mìn
Xây dựng hoàn thiện Quy chế quản lý thông tin Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Ðịnh là yêu cầu quan trọng, cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả Dự án.
Hội thảo Quy chế về công tác QLTT do VNMAC tổ chức tại TP Quy Nhơn ngày 22.10.
Quản lý dữ liệu thông tin là việc thu thập, xử lý, phân tích, lưu trữ và sử dụng các thông tin dữ liệu liên quan đến hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn (KPHQBM), vật nổ để phục vụ phát triển KT-XH và an toàn của nhân dân hai địa phương. Dữ liệu thông tin về Dự án đang triển khai tại tỉnh, gồm: Kết quả hoạt động khảo sát kỹ thuật các khu vực nghi ngờ ô nhiễm bom mìn (BM), vật nổ; kết quả hoạt động rà phá BM, vật nổ; kết quả điều tra các vụ tai nạn, nạn nhân BM, vật nổ; kết quả thực hiện hỗ trợ nạn nhân BM, vật nổ; kết quả tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn BM, vật nổ; kết quả xử lý lưu động và xử lý tập trung BM, vật nổ; nhật ký, biên bản, báo cáo giám sát quản lý chất lượng; các biên bản nghiệm thu, bàn giao thực địa.
Tại Hội thảo đóng góp cho bản Quy chế về công tác quản lý thông tin (QLTT) do Trung tâm Hành động BM quốc gia Việt Nam (VNMAC) tổ chức tại TP Quy Nhơn vào ngày 22.10, các đơn vị, tổ chức trực tiếp tham gia thi công khảo sát, rà phá BM vật nổ; các cơ quan quân sự các cấp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng dữ liệu thông tin.
Theo ông Nguyễn Linh Giang, Giám đốc Trung tâm Cơ sở dữ liệu BM quốc gia, trong nhiệm vụ khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh, việc tổng hợp, QLTT dữ liệu về nạn nhân BM, về thực trạng ô nhiễm BM, vật nổ và kết quả các hoạt động KPHQBM có vai trò hết sức quan trọng. “QLTT là hoạt động cốt lõi, đóng vai trò trung tâm và kết nối để thực hiện tốt công tác KPHQBM. Ngoài làm tăng hiệu quả, chất lượng của từng dự án, thông tin chính xác sẽ giúp các cơ quan chức năng của Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong việc hoạch định chiến lược và các kế hoạch ưu tiên cho việc KPHQBM sau chiến tranh phục vụ chiến lược phát triển KT-XH của Nhà nước và các địa phương. Đồng thời, đảm bảo cho việc ra quyết định về triển khai hoạt động rà phá BM có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ việc phân bổ hợp lý nguồn lực, tiết kiệm kinh phí và đạt hiệu quả cao; giúp việc quản lý công tác rà phá BM đi vào nề nếp, chặt chẽ, thuận lợi và khoa học”, ông Giang bày tỏ.
Còn ông Nguyễn Văn Nghiệp, Phó tổng Giám đốc VNMAC, nhìn nhận: Trên cơ sở ý kiến trong hội thảo, VNMAC sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa, hoàn thiện văn bản Quy chế về công tác QLTT trong các dự án KPHQBM để sớm ban hành, đưa Quy chế vào thực hiện; góp phần làm cho công tác QLTT dữ liệu BM tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định nói riêng, toàn quốc nói chung từng bước đi vào nề nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các dự án và Chương trình hành động quốc gia KPHQBM sau chiến tranh tại Việt Nam.
XUÂN NHÂM