“Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm”
Những ngày này, khi nỗi đau bao trùm nhiều làng biển Hoài Nhơn bởi 23 ngư dân mất tích trong bão số 9 vẫn biệt tăm, chưa bao giờ câu ca dao xưa lại ám ảnh, khắc khoải đến thế...
Những phụ nữ “hồn treo cột buồm”
Có con, chồng đi biển, ngoài cảnh nhà quanh năm vắng điểm tựa đàn ông, những người mẹ, người vợ ngư dân xác định: Bất trắc có thể xảy đến với gia đình mình bất kể lúc nào, nhất là mùa mưa bão. Tuy vậy, khi biến cố, mất mát ập đến, nhiều người đã ngã quỵ.
Trong số 23 ngư dân gặp nạn trên biển ở 22 gia đình, mất mát nặng nề nhất có lẽ là gia đình vợ chồng bà Phan Thị Dốn - ông Đặng Văn Xang ở Cửu Lợi Đông - Tam Quan Nam. Hai con trai mới vừa đôi mươi của ông bà - Đặng Đức Hiểu và Đặng Đức Nghĩa đã mất tích giữa bão biển khi chưa lập gia đình, dở dang bao ý định. Khi trong nhà cùng lúc dựng lên 2 chiếc bàn thờ, trên đó - 2 tấm ảnh trẻ măng của con, bà Dốn ngất lịm.
Chị Huỳnh Thị Mai Xuân, con dâu thứ ở cùng vợ chồng bà Dốn, cũng có chồng là ngư dân, tâm sự: “Đợt này cả 4 anh em đều đi biển, chia đều đi trên 2 tàu khác nhau, may chồng tôi và anh chồng tránh bão được trở về, nếu không...”.
Cũng tại Tam Quan Nam, có hai chị em ruột cùng lúc mang nỗi đau chồng mất tích trên biển. Đó là chị Trương Thị Nhung, vợ thuyền trưởng Nguyễn Văn Minh (tàu BĐ 96388 -TS) và Trương Thị Kim Vân, vợ thuyền viên Nguyễn Thanh Sỹ đi trên con tàu do người anh cột chèo cầm lái. Bà Nguyễn Thị Min chết điếng khi cả hai con gái bỗng chốc lâm cảnh góa phụ và 4 đứa cháu ngoại đang tuổi ăn học từ nay mồ côi cha.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm hỏi, động viên gia đình thuyền viên Phan Quốc Y.
Chiều 5.11, thay chị Nhung đi nhận các khoản hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho thân nhân ngư dân mất tích là chị dâu Trương Thị Kim Kiều (vợ anh Bền - anh ruột thuyền trưởng Minh). Theo chị Kiều, khác với tàu BĐ 96388-TS bị nạn, ngư dân chìm được 3 người sống sót chứng kiến và xác nhận, tàu BĐ 97469-TS do anh Minh điều khiển không rõ đã mất tích như thế nào, điều này nuôi hy vọng khôn nguôi trong chị Nhung. Bàn thờ tuy đã lập nhưng chị không tổ chức chôn, đưa tang, làm mộ gió cho chồng như phong tục. Chị dặn người nhà, tiền hỗ trợ nhận về cất nguyên để trả lại, chắc chắn chồng chị sẽ trở về.
“Gia đình vùng biển, mỗi tháng vợ xa chồng, con vắng cha đã trên 20 ngày, cứ đến trăng là đoàn tụ, cả nhà quây quần. Giờ đây, trăng này, mọi trăng sau, vĩnh viễn Nhung không còn thấy chồng sau mỗi chuyến biển, thực tế đau xót này em chưa thể chấp nhận”, cũng có chồng đi bạn, trong niềm xót thương em dâu của chị Kiều có nỗi đồng cảm và cả bất an.
Nén lại đau thương...
6 tháng sau đám cưới, chị Nguyễn Thị Phố (29 tuổi) trở thành góa phụ sau chuyến đi biển định mệnh của chồng - Phan Quốc Y (phường Tam Quan Bắc). Chị Phố đang mang thai đứa con đầu lòng gần 3 tháng, mọi tiếc thương con trai, bà La Thị Tươi đổ dồn vào việc an ủi, chăm sóc con dâu ốm yếu đang thai nghén và cháu nội vừa tượng hình. “Phần chồng con coi như đã xác định, có đau đớn mấy vẫn phải vượt qua, giờ tập trung lo cho mình để giữ con, giữ tất cả còn lại của Y nghe con”, hai người đàn bà với nỗi đau chung bất tận, bà Tươi nuốt nước mắt vào trong động viên con dâu.
Chung hoàn cảnh gia đình trẻ khó khăn, ly tán, chị Trần Thị Hiếu - vợ thuyền viên Nguyễn Văn Hoài (phường Tam Quan) đang cố hết sức vượt qua bi kịch trong giai đoạn khó khăn nhất. Tin dữ xảy đến khi chị Hiếu sinh con thứ 2 mới một tuần, trước mắt gia đình phải giấu đi. Đội khăn tang khi đang ở cữ, điều quả phụ 22 tuổi này canh cánh là việc chữa trị cho con gái Khánh Ly, 2 tuổi, mắc bệnh tim bẩm sinh. “Anh Hoài cố gắng đi biển để gom góp tiền chữa bệnh cho con, giờ ảnh lưu lạc giữa biển, mẹ con mất đi trụ cột, việc chữa bệnh cho con lại càng khó khăn”, chị Hiếu thổn thức.
Tại chương trình trao hỗ trợ cho các ngư dân gặp nạn trên biển trong bão số 9, thân nhân hai thuyền viên Nguyễn Văn Hoài và Phan Quốc Y được tặng thêm sổ tiết kiệm 50 triệu đồng. Bệnh tình của bé Ly cũng được lãnh đạo tỉnh lưu ý địa phương, các ngành chức năng, nhà hảo tâm đặc biệt quan tâm, theo dõi sát để hỗ trợ chi phí chữa trị khi đủ điều kiện sức khỏe.
Chị Huỳnh Thị Tiết (cùng mẹ ruột) với hũ yến chưng sẵn, trong khoảnh khắc chờ đón chồng sống sót trở về chiều 3.11.
Đời ngư dân quanh năm lênh đênh trên những con tàu, đối diện bao bất trắc. Nhưng với cả những người nhiều lần bị nạn, nghiệp biển giã vẫn nặng nợ. Ở lần thứ 3 may mắn thoát nạn này, chị Huỳnh Thị Tiết, vợ ngư dân Huỳnh Xuân Phi (xã Hoài Hải, 1 trong 3 ngư dân tàu BĐ 96388-TS may mắn được cứu sống, đã về nhà) không mong gì hơn là chồng “giải nghệ” biển, kiếm việc gì trên bờ làm, thu nhập ít hơn cũng được mà vợ chồng, cha con sớm tối có nhau. Nhưng cũng như 2 lần chết hụt trước, người thuyền viên gắn với biển từ năm 14 tuổi không dễ rời xa cuộc đời cực nhọc mà khoáng đạt này.
Bởi, con cá con tôm không chỉ đem lại miếng cơm manh áo cho gia đình. Sự hiện diện của ngư dân cùng con tàu là cột mốc sống trên biển. Điều thiêng liêng này, phụ nữ làng biển đã, đang lặng thầm tham gia, bằng việc chăm lo tốt cho gia đình, làm tròn vai trò hậu phương để chồng con yên tâm vươn khơi bám biển. Bao vất vả đều vượt qua được, chỉ mong sóng yên bể lặng để mọi phụ nữ làng chài đều được đón chồng con trở về, đoàn tụ mỗi trăng.
SAO LY