Thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh: Thêm quyền cho người tham gia BHYT
Từ ngày 1.1.2021, người bệnh có thẻ BHYT điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh được hưởng BHYT mức 80 - 100% mà không cần có giấy chuyển viện. Ðó là quy định của chính sách thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014.
Không giới hạn nơi điều trị nội trú tuyến tỉnh
Theo quy định hiện hành, những trường hợp khám chữa bệnh (KCB) trái tuyến chỉ được quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh. Tuy nhiên, sang năm 2021, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thì mức hưởng BHYT sẽ được tăng từ 60% lên mức 80 - 100% (tùy từng nhóm đối tượng).
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Anh, Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh), khi quy định thông tuyến có hiệu lực, quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú cho người tham gia BHYT khi tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong cả nước đối với nhóm đối tượng: Quân đội, CA, người có công với cách mạng, CCB, trẻ em dưới 6 tuổi, người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, dân tộc thiểu số; những trường hợp có chi phí một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở; người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, với mức đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Riêng thân nhân người có công với cách mạng đi khám BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 95% chi phí điều trị nội trú. Các đối tượng có thẻ BHYT còn lại đi khám BHYT trái tuyến được chi trả 80%.
Việc thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh được bệnh nhân trông chờ, bởi sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh.
“Quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh áp dụng cho điều trị nội trú. Riêng người có thẻ BHYT đi khám ngoại trú trái tuyến tỉnh vẫn không được quỹ BHYT hỗ trợ chi trả chi phí KCB”, bác sĩ Anh lưu ý.
Với người tham gia BHYT, quy định người bệnh sẽ được điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh mà không cần giấy chuyển viện từ tuyến dưới là một tin vui. Chiều 6.11, ông Lê Thành Nha (52 tuổi, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) đến BVĐK tỉnh để làm các xét nghiệm kiểm tra và thủ tục chuẩn bị phẫu thuật sỏi thận. “Theo BHYT đúng tuyến, tôi phải nhập viện tại bệnh viện tuyến huyện - nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu, rồi mới chuyển viện lên tuyến tỉnh. Ngại thủ tục chuyển viện rườm rà, nên tôi quyết định đi trái tuyến, lên thẳng BVĐK tỉnh. Thực hiện thông tuyến thì bệnh nhân có thể chọn phẫu thuật tại bệnh viện tuyến tỉnh mà không cần lo mất khoản chi phí do tự ý đi trái tuyến!”, ông Nha chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh (phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) đang điều trị ung thư vú tại BVĐK tỉnh, cho hay: Chính sách thông tuyến KCB tuyến tỉnh trao thêm quyền chọn lựa nơi KCB nội trú cho bệnh nhân. Đó là được quyền chọn điều trị tại các bệnh viện có chất lượng tốt, được hưởng những kỹ thuật chuyên sâu trong cả nước, mà không cần phải chuyển viện.
Bệnh viện lo
Về mặt chính sách, ở khía cạnh của người dân, thực hiện thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ BHYT sẽ tạo thuận lợi cho người bệnh. Song, quy định mới này cũng sẽ là thách thức đối với cơ sở KCB.
Bình Định hiện có 2 bệnh viện tuyến tỉnh là BVĐK tỉnh và BVĐK khu vực Bồng Sơn. Theo bác sĩ Ngô Xuân Thế, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến (BVĐK tỉnh), bệnh viện đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, các phương pháp điều trị hiện đại nên lâu nay đã tiếp nhận một lượng bệnh nhân trong tỉnh và từ các khu vực lân cận. Bệnh viện có 1.110 giường bệnh kế hoạch, thực kê lên 1.460 giường, nhưng bệnh nhân nội trú luôn dao động 1.550 - 1.700 lượt/ngày, trong đó bệnh nhân trái tuyến chiếm khoảng 5 - 8%. Năm 2020, thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, lượng bệnh nhân giảm mạnh, song bệnh nhân trái tuyến đến đây vẫn chiếm tỷ lệ 4%, tương đương với 2.277/56.089 lượt bệnh nhân điều trị.
“Khi quy định về thông tuyến nội trú tuyến tỉnh được triển khai, chắc chắn số bệnh nhân điều trị nội trú tuyến tỉnh sẽ tăng. Ngoài bệnh nhân trong tỉnh, còn có lượng lớn người bệnh từ các tỉnh lân cận, sẽ dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện”, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Võ Bảo Dũng cho hay.
Trong khi đó, theo bác sĩ Trần Quốc Việt, Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn, bệnh viện đã được xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng khang trang; bổ sung lực lượng bác sĩ triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật tiên tiến, thu hút lượng lớn bệnh nhân phía Bắc tỉnh và vùng lân cận của tỉnh Quảng Ngãi. Chắc chắn việc triển khai thông tuyến tỉnh sẽ tăng lượng bệnh nhân cả trong và ngoài tỉnh đến bệnh viện.
Đi đôi với tăng bệnh nhân, các bệnh viện còn thêm nỗi lo vỡ quỹ BHYT. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, quy định này có thể khiến người bệnh không muốn xuống tuyến dưới khám, chữa bệnh nữa, dẫn đến mất cân đối trong chính sách phát triển y tế cơ sở.
MAI HOÀNG