“Dã Quỳ Trầm Lặng” với những dấu ấn về đất và người Bình Ðịnh
Đó là nội dung chủ yếu của sách Dã Quỳ Trầm Lặng - tập tùy bút và phê bình của nhà văn Ban Mai (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành).
Dã Quỳ Trầm Lặng là tập sách khá đầy đặn, với trên 410 trang (khổ 14 cm x 20,5 cm). Sách gồm có 2 phần: Tùy bút và Phê bình. Trong đó, mảng tùy bút gồm có 37 bài và mảng phê bình có 13 bài. Sách có khá nhiều tùy bút mang đậm dấu ấn Quy Nhơn - Bình Định, như: Làn da nước dừa, Người cha, Nụ cười bình yên, Quê nhà tôi, Trên đỉnh mù sương, Mùa hè, và từng cơn gió, Bánh tét ngày xuân… Trong đó có khá nhiều trang viết, những câu văn ấn tượng, như: “Hương vị xứ dừa quê ngoại ướp mát tâm hồn tôi từ thuở nằm nôi, đong đầy từng thìa nhỏ trong chén chè bé xíu của bà” (Tiếng rao đêm).
Về mảng phê bình, bên cạnh những bài phê bình tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Bắc Sơn, Cung Tích Biền, Trần Vũ, Nguyễn Đức Sơn, Lữ Quỳnh, Đặng Thơ Thơ… là những bài viết về các văn nghệ sĩ từng gắn bó với Quy Nhơn - Bình Định, như: Trịnh Công Sơn, Mang Viên Long, Elena Pucillo Trương (nữ nhà văn người gốc Italia làm dâu Bình Định). Đơn cử như một số bài phê bình: Elena Pucillo Trương - Từ sông PO đến sông Côn; Mang Viên Long - một thế hệ buồn; Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam… Trong đó, ấn tượng nhất là những trang viết về nhà văn Elena Pucillo Trương: “Từ Đông sang Tây, từ dòng sông Po mềm mại… đến sông Côn êm đềm chảy trên đất Bình Định, hai bên bờ sông đồng lúa xanh biếc sau những ngôi nhà mái ngói, ruộng cải nở hoa vàng óng là một kết nối kỳ diệu cho sự thăng hoa nghệ thuật của anh chị Trương Văn Dân và Elena Pucillo Trương. Chính yêu thương đã kết nối yêu thương”.
VIẾT HIỀN