Kể về Anh hùng Trần Bá
Hẳn nhiều người đã từng nghe đến Trường THCS Trần Bá ở thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước). Tuy nhiên phần lớn chưa rõ vì sao ngôi trường lại mang tên Trần Bá. Cuốn “Cuộc đời hoạt động cách mạng và những chiến công thầm lặng của liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Bá (1923 - 1963)” của tác giả Phạm Đình Đôn sẽ giúp ta rõ hơn về vị anh hùng này cũng như những tình cảm, lý do ngôi trường ở Diêu Trì mang tên Trần Bá.
Cuốn sách dày 119 trang được NXB Hồng Đức phát hành trong tháng 11.2020, giới thiệu khá rõ về cuộc đời hoạt động và những chiến công thầm lặng của liệt sĩ Trần Bá - đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, người tình báo binh vận phụ trách nội tuyến xuất sắc của Đảng.
Đồng chí Trần Bá có bí danh là Ba Đen (dùng trong thời kỳ hoạt động bí mật), quê ở thôn Diêu Trì, xã Phước Long, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông xuất thân trong một gia đình dân nghèo, giàu truyền thống yêu nước. Nhà ông gần nhà máy xe lửa đề pô Diêu Trì và ga Diêu Trì, nơi có phong trào đấu tranh của công nhân những năm 1937 - 1940. Tới đây bạn đọc đã hiểu thêm vì sao liệt sĩ Trần Bá lại là niềm tự hào của người dân Tuy Phước nói chung và người dân Diêu Trì nói riêng. Chính vì thế, năm 2013, UBND huyện Tuy Phước quyết định đổi tên Trường THCS thị trấn Diêu Trì thành Trường THCS Trần Bá.
Cuốn sách gồm 4 phần, nêu rõ từng giai đoạn tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Anh hùng Trần Bá. Phần 1 của cuốn sách nói về quá trình giác ngộ cách mạng và hoạt động của Trần Bá trong thời kỳ kháng chiến. Phần 2 kể về thời kỳ hoạt động bí mật của Trần Bá ở miền Nam. Phần 3 kể về quãng thời gian đồng chí Trần Bá bị địch bắt vào đầu mùa xuân năm 1958 và những cuộc đấu tranh trong ngục tù. Phần 4 là thắng lợi năm 1975 và những cống hiến của liệt sĩ Trần Bá.
Ngoài ra, sách còn giới thiệu những bài thơ đồng chí Trần Bá viết trong thời gian hoạt động tại chiến trường miền Nam và lời tâm sự của vợ, con của liệt sĩ Trần Bá. Đồng thời, tác giả Phạm Đình Đôn cũng đã tổng hợp những tư liệu, hình ảnh về chương trình khuyến học Trần Bá tại trường. Cuốn sách không chỉ là một tư liệu về nhân vật cách mạng mà còn là tư liệu về tình cảm của người anh hùng đối với quê hương; tư liệu về tình cảm và sự biết ơn của người dân Tuy Phước đối với ông và gia đình ông.
ĐỖ THẢO