Kiểm kê di sản văn hóa huyện miền núi Vân Canh: Gìn vàng giữ ngọc
Không bảo tồn, gìn giữ sẽ bị mai một
Theo đánh giá chung của Phòng VH&TT huyện Vân Canh, số lượng nhạc cụ truyền thống có chiều hướng mai một dần, lớp người biết chế tác, chỉnh sửa và sử dụng nhạc cụ truyền thống ngày càng ít; nghề thủ công truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát...), kiến trúc dân gian (nhà rông, nhà sàn), nghi thức lễ truyền thống (lễ cưới, mừng lúa mới...) cũng dần mai một. Trong khi đó công tác kiểm kê, sưu tầm và phục dựng các di sản văn hóa đã nhiều năm qua chưa được thực hiện đúng mức.
Đồng bào Chăm H’roi huyện Vân Canh tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh năm 2019.
Nhằm khắc phục tình trạng này, đầu tháng 5.2020, UBND huyện Vân Canh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch năm 2020. Đến đầu tháng 8.2020, ban hành Kế hoạch Kiểm kê các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang tồn tại trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Chăm H’roi và Bana trên địa bàn huyện. Thực hiện theo Kế hoạch, cách đây gần hai tuần, UBND huyện Vân Canh đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác kiểm kê di sản văn hóa, với sự tham gia của nhiều cán bộ phụ trách hoạt động văn hóa ở các xã, thị trấn, trưởng làng đồng bào dân tộc thiểu số...
Ông Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng Phòng VH&TT huyện Vân Canh, cho biết: “Năm 2013, huyện Vân Canh đã có đợt kiểm kê sơ bộ về di sản văn hóa phi vật thể tuy nhiên việc nắm bắt thông tin, kỹ năng nghiêm túc mà đánh giá là chưa được nhiều. Sau Hội nghị tập huấn này, mọi người đã nắm bắt rõ hơn trong việc nhận diện, bảo vệ, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể từ lý thuyết đến thực hiện. Khi triển khai kiểm kê hướng đến mục đích xác định rõ giá trị, khả năng tồn tại, số lượng và phân loại, xếp hạng, lập hồ sơ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể để có chính sách quản lý, bảo tồn và phát huy...”.
Khẩn trương vì thời gian không đợi ai
Ngày 19.11 vừa qua, Phòng VH&TT huyện Vân Canh đã có kế hoạch tổ chức thực hiện kiểm kê các loại hình di sản văn hóa trong thời gian từ ngày 26.11-12.12.2020, tại các làng đồng bào Bana, Chăm H’roi ở 4 xã Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Thuận, Canh Liên và thị trấn Vân Canh. Theo đó, Tổ kiểm kê huyện xây dựng kế hoạch phân công thành viên giám sát công tác kiểm kê tại các xã, thị trấn; cung cấp các biểu mẫu, phân bổ số lượng phiếu kiểm kê phù hợp với từng địa phương; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kiểm kê đạt hiệu quả... UBND các xã, thị trấn thành lập các Tổ kiểm kê ở địa phương, đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm kê và phối hợp thực hiện.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện công tác kiểm kê các di sản văn hóa đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu đề ra, đồng thời tiếp tục tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở huyện Vân Cânh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cần thực hiện các giải pháp cụ thể như: Mở lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ truyền thống và nghề thủ công truyền thống cho thế hệ trẻ; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan để tạo điều kiện phục hồi, biểu diễn các loại hình di sản văn hóa của đồng bào Bana, Chăm h’roi. Xây dựng các mô hình bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống...”.
Trưởng Phòng VH&TT huyện Vân Canh LÊ THANH NHƠN
Chị La Thị Huyền Giang, người dân tộc Bana, chuyên viên phụ trách hoạt động văn nghệ của Trung tâm VH-TT&TT huyện Vân Canh, chia sẻ: “Từ kiến thức và kỹ năng có được từ đợt tập huấn công tác kiểm kê di sản văn hóa lần này, cộng với thực tế nắm bắt ở cơ sở trong nhiều năm qua, tôi thấy đây là việc làm hết sức cần thiết và nên được khẩn trương làm rốt ráo. Nếu thực hiện tốt công tác kiểm kê thì cũng sẽ góp phần động viên, nâng cao nhận thức của nghệ nhân; lưu giữ được nguồn tư liệu giá trị. Qua đó, có cơ sở để đánh giá một cách toàn diện và đề ra những giải pháp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các loại hình có nguy cơ mai một cao. Hiện ở các làng vẫn còn tương đối nhiều nghệ nhân am hiểu, nắm giữ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nhưng nếu không làm nhanh, có thể họ sẽ không còn nhớ đầy đủ, thậm chí sẽ qua đời, lúc đó sẽ rất đáng tiếc. Tôi nghĩ nên khẩn trương vì thời gian không đợi ai. Bản thân tôi cũng trông chờ qua đợt kiểm kê có thể phát hiện được những nghệ nhân nắm giữ di sản mà mình chưa biết, đồng thời thêm nguồn tư liệu để dàn dựng các tiết mục biểu diễn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống...”.
Thông tin về việc triển khai kiểm kê di sản văn hóa cũng đã tạo niềm phấn khởi cho nghệ nhân ở các làng nặng lòng với di sản của dân tộc mình. “Cái bụng mình luôn buồn khi lớp trẻ người Bana bây giờ ngày càng thờ ơ đối với âm nhạc truyền thống bao đời nay mà ông bà để lại. Được biết, sắp đến cán bộ sẽ về làng thực hiện công tác kiểm kê, mình sẽ dốc hết những gì mình biết, mình làm được về diễn tấu cồng chiêng, đan lát các loại vật dụng truyền thống của người Bana. Chỉ cầu mong gìn giữ lại được cho đời sau...”, nghệ nhân Mang Năng (58 tuổi, người Bana), làng Đắk Đưm, thị trấn Vân Canh, bày tỏ.
HOÀI THU