CHÀO MỪNG 46 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, GIẢI PHÓNG ĐẤT NƯỚC (30.4.1975-30.4.1921)
Ngày non sông liền một dải
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, mỗi người dân đất Việt không khỏi bồi hồi xúc động, tự hào khi nghĩ đến dấu mốc vĩ đại - ngày 30.4.1975, thời khắc non sông liền một dải, giang sơn quy về một mối.
Chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 26.4.1975, kết thúc chóng vánh lúc 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, khi Tổng thống Ngụy buộc phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
Thần tốc, táo bạo, chắc thắng
Ngày 25.3.1975, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết khẳng định thời cơ chiến lược đã đến, phải tập trung nhanh nhất lực lượng, phương tiện để giải phóng miền Nam “trước mùa mưa”. Chiến dịch giải phóng TP Sài Gòn - Chợ Lớn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Và, ngay từ đầu tháng 4, cả nước rộn ràng với không khí ra quân rầm rập, cả dân tộc bước vào mùa Xuân lịch sử với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng” và khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập. Ảnh: TƯ LIỆU
Ngày 9.4, quân ta tiến công vào Xuân Lộc (Đồng Nai), một căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 21.4, địch tháo chạy khỏi Xuân Lộc, cửa ngõ vào Sài Gòn được mở; Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
17 giờ ngày 26.4, quân ta được lệnh nổ súng mở màn chiến dịch. 5 cánh quân từ các hướng vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài hùng dũng tiến thẳng vào Sài Gòn. Hai ngày sau, các trận địa pháo của ta ào ạt nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đến rạng sáng 29.4, tất cả các cánh quân đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.
10 giờ 45 phút ngày 30.4, xe tăng của ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện và ra lệnh cho quân lính đầu hàng.
11 giờ 30 phút, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hiên ngang tung bay trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 2.5.1975, các địa phương cuối cùng của miền Nam cũng được giải phóng.
Sức mạnh từ truyền thống dân tộc
Để Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, bên cạnh yếu tố quyết định là sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền tảng tạo nên sức mạnh tổng hợp chính là sự đoàn kết “quân với dân một ý chí”. Ý chí đó thể hiện quyết tâm, khát vọng giành bằng được độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Phương thức tác chiến kết hợp các đòn tiến công địch bằng sức mạnh của các binh đoàn cơ động chủ lực với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân giành quyền làm chủ ở từng địa phương đã tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn quật ngã địch.
“Đây là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân từ Bắc đến Nam huy động sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Một đặc điểm lớn và cũng là nhân tố có ý nghĩa vô cùng quan trọng mà chỉ rất ít nước vận dụng thực hiện thành công - chiến tranh nhân dân, với tinh thần: “Xe chưa qua nhà không tiếc”; “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”…”, ThS Nguyễn Tùng Lâm (Trường Chính trị tỉnh) phân tích.
Kết thúc một cuộc chiến tranh thường sẽ có kẻ thắng, người thua. Tuy nhiên, như lời thượng tướng Trần Văn Trà - Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định nói với tướng Dương Văn Minh vào ngày 2.5.1975 tại Dinh Độc lập, “Đối với chúng ta, không có kẻ thua, người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam thắng Mỹ”. Ông Trần Văn Trà kêu gọi: “Mỗi người Việt Nam lúc này hãy thực hiện tốt chính sách hòa hợp dân tộc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đem hết sức lực và trí tuệ của mình để góp phần xây dựng đất nước sau 30 năm chiến tranh tàn phá...”. Tướng Dương Văn Minh xúc động đáp lại: “Tôi vô cùng cảm kích và thật sự hân hoan vì đến 60 tuổi tôi mới được trở thành công dân của nước độc lập, tự do... Xin hứa với ngài và cách mạng, là công dân của nước Việt Nam độc lập, tôi sẽ góp công sức của mình vào việc xây dựng đất nước...”.
Nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, PGS.TS Hồ Xuân Quang (Trường ĐH Quy Nhơn) rất tâm đắc với câu chuyện này. “Truyền thống dân tộc là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng. Bên cạnh đoàn kết, truyền thống nhân đạo, “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại” đã thể hiện rõ trong và sau cuộc chiến. Không hề có một cuộc trả thù, “tắm máu” nào cả; thay vào đó, cả nước cùng chung sức giữ gìn hòa bình, thống nhất”, ông Quang nhìn nhận.
Đất nước trọn niềm vui
Với cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ đó, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui. Tỉnh Bình Định cũng đã có nhiều đóng góp để làm nên chiến công lịch sử ấy.
Đại thắng mùa Xuân 1975 luôn là nguồn cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng, ý chí quyết tâm xây dựng Tổ quốc ta ngày càng đàng hoàng, tươi đẹp hơn.
- Trong ảnh: Bình minh trên cầu Thị Nại. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Ngay sau khi giải phóng toàn tỉnh, chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị, Đảng bộ tỉnh lập tức động viên quân dân địa phương khẩn trương, tích cực đóng góp nhân tài, vật lực phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Hàng trăm thanh niên bổ sung cho Sư đoàn 3 tiến thẳng vào mặt trận phía Nam. Cảng Quy Nhơn đón hàng chục tàu chở các đơn vị của Quân đoàn II. Hàng trăm xe quân sự, xe vận tải, xe ca và hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, xăng dầu được huy động kịp thời cung cấp cho Quân đoàn II hành quân thần tốc vào Nam.
Tại Hoài Nhơn, hàng vạn nhân dân các địa phương từ Tam Quan đến Bồng Sơn tay cầm cờ hoa đón đưa những đoàn quân giải phóng trên đường hành quân thần tốc; hàng nghìn gia đình động viên, tiễn đưa con em gia nhập các đơn vị bộ đội giải phóng và thanh niên xung phong, dân công phục vụ chiến đấu. Xứ Dừa thực hiện phong trào “Tuần lễ lạc quyên” và khẩu hiệu “Thần tốc chiến thắng”, nhân dân đóng góp tiền, lương thực, thực phẩm, hàng chục xe tải, xe khách chuyên chở lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong không khí vui mừng cả nước hoàn toàn giải phóng, sáng 15.5.1975, các địa phương trong tỉnh tưng bừng tổ chức trọng thể lễ mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Tại An Nhơn, cuộc mít tinh trọng thể được tổ chức ở SVĐ trung tâm, với sự tham dự của hơn 5.000 cán bộ, đảng viên, LLVT và nhân dân.
“Mùa xuân Ất Mão 1975 - mùa xuân ghi dấu chiến tranh và hòa bình, ly tan và sum họp, giữa nước mắt và nụ cười đã lùi vào dĩ vãng, song đã để lại trong lòng của lớp người từng tham gia và chứng kiến thời điểm lịch sử ấy biết bao cảm xúc đặc biệt. Làm sao có thể quên được thời khắc đất nước trọn niềm vui thống nhất!”, ông Trần Duy Đức - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Mỹ, nguyên Chánh Văn phòng UBND huyện An Nhơn (nay là TX An Nhơn), chia sẻ.
* * *
46 mùa xuân đã trôi qua, đất nước đang băng băng trên con đường phát triển, ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Mãi mãi về sau, đại thắng mùa Xuân 1975 luôn là nguồn cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng, ý chí quyết tâm xây dựng Tổ quốc ta ngày càng đàng hoàng, tươi đẹp hơn.
NGUYỄN VĂN TRANG