CHÀO MỪNG 46 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, GIẢI PHÓNG ĐẤT NƯỚC (30.4.1975-30.4.1921)
Chiến thắng của lòng dân
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là chiến thắng của lòng dân. Chiến thắng đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khi huy động được tối đa sức mạnh của toàn dân.
Trong những ngày tháng lịch sử đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã tập trung trí tuệ, tài năng ra những quyết định, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, những mệnh lệnh, chỉ thị cho quân và dân cả nước biến các nghị quyết đúng đắn của Đảng thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng trên các chiến trường.
5 cánh quân tinh nhuệ của Quân Giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn, làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30.4.1975. Ảnh: TTO
Chấp hành chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng, Đảng bộ, quân và dân Bình Định sát cánh cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị, sẵn sàng bước vào chiến dịch Xuân 1975 với khí thế cách mạng tiến công sôi nổi chưa từng có. Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên và chiến dịch giải phóng TX Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), rạng sáng 4.3.1975, ta cắt đường 19, tạo thế chia cắt chiến lược lợi hại giữa đồng bằng miền Trung và Tây Nguyên.
Từng là chiến sĩ thông tin của Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3 Sao Vàng), CCB Trần Quốc Tế (ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) kể lại: “Sư đoàn 3 kìm chân toàn bộ Sư đoàn 22 quân chủ lực ngụy trên mặt trận đường 19, hỗ trợ đắc lực và tạo thế cho quân và dân Bình Định dồn dập tấn công, nổi dậy tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân ngụy, đập tan bộ máy ngụy quyền, giải phóng và giành quyền làm chủ liên hoàn từng mảng lớn từ Bắc vào Nam tỉnh. Đến ngày 1.4.1975, ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ tàn quân Sư đoàn 22 quân chủ lực ngụy đã bại trận trên đường 19, tháo chạy về Quy Nhơn hòng tìm lối thoát duy nhất bằng đường biển”.
Nhân dân Sài Gòn đón mừng Quân Giải phóng ngày 30.4.1975. Ảnh: TƯ LIỆU
Ngay sau khi giải phóng toàn tỉnh, chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị, Đảng bộ lập tức động viên quân dân địa phương khẩn trương, tích cực đóng góp nhân tài, vật lực phục vụ chiến trường miền Nam. Hàng trăm thanh niên bổ sung cho Sư đoàn 3 tiến thẳng vào mặt trận phía Nam. Cảng Quy Nhơn đón hàng chục tàu chở các đơn vị của Quân đoàn II. Hàng trăm xe quân sự, xe tải, xe ca và hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, xăng dầu được huy động kịp thời cung cấp cho Quân đoàn 2 hành quân thần tốc vào Nam.
Ðại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đáp lại lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên! chiến sĩ, đồng bào. Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn!”.
Ngày 14.4, Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh, do đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Đến ngày 22.4, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, điện chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến dịch: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về quân sự chính trị. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nắm vững thời cơ lớn chúng ta nhất định toàn thắng.” Và Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn - Gia Định trước ngày 30.4.1975.
5 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát đô thành và Biệt khu thủ đô. Từ bốn hướng Đông, Bắc, Tây Bắc và Tây Nam, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy, đến 11 giờ 30 phút ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhưng khi nghe chúng tôi nhắc về Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Toán (nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 307, Quân khu 5, hiện ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) như trẻ lại, bảo rằng: “Làm sao quên được, đó là thời khắc lịch sử!”. 46 năm trước, ông Toán là Trung đội phó Công binh của Tiểu đoàn 17 (Sư đoàn 320, nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn 1). Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ đánh thẳng vào Bộ Tư lệnh Thiết giáp ngụy đóng ở ngã 5 Gò Vấp. Mặc dù địch ngoan cố chống trả quyết liệt nhưng với sự anh dũng, mưu trí, đơn vị của ông cùng năm cánh quân khác đã xuất sắc giành thắng lợi. “Khó khăn, gian khổ không dập tắt được ý chí của chúng tôi, vì chúng tôi luôn có niềm tin rằng cuộc chiến đấu này tất sẽ thắng lợi. Và trong thời khắc chiến thắng lịch sử ấy, ai ai cũng vui mừng khôn xiết, người người đều lâng lâng. Từ nay non sông đất nước liền một dải!”, ông Toán bộc bạch.
Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là sự kế thừa, kết tinh của Đảng với dân một lòng, quân với dân một ý chí, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, thủy chung son sắt, cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, sống chết có nhau trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ và ác liệt.
HỒNG PHÚC