Mùa thống nhất
“Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…”
(Mùa xuân đầu tiên, nhạc và lời Văn Cao)
Mỗi khi tôi nghe lại bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao với điệu valse dìu dặt, với ca từ trong sáng, yêu thương, lắng trong suy nghiệm tôi lại nhớ về mùa xuân kỳ diệu cách đây 46 năm, mùa Thống Nhất, mùa của Việt Nam khao khát yêu thương sum họp.
1. Từng “Có một mùa hoa cải/ chia tay bởi chiến tranh/ em đã chờ đợi anh/ sao anh mãi không về.” (Mùa hoa cải, thơ Nghiêm Thị Hằng, nhạc Lê Vinh); đã có bao nhiêu mùa hoa cải đau buồn như thế tới với dân tộc Việt Nam, với bao “ngày Bắc đêm Nam”, ai từng cùng cả dân tộc chờ đợi nhau trong khắc khoải, mới hiểu mới cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc tột cùng của ngày 30.4.1975, ngày mà tôi và bạn bè một thời lửa đạn quen gọi là ngày cả Dân Tộc Đoàn Tụ.
Đó là ngày của:
“Biển trời bao la
Đẹp như gấm hoa
Nước mây muôn màu
Những con tàu ra Bắc vào Nam”
(Bài ca thống nhất, nhạc và lời của nhạc sĩ Võ Văn Di)
Tôi còn nhớ, ngày tôi từ chiến khu bên sông Vàm Cỏ Đông về Sài Gòn đầu tháng 5.1975, tôi như mê đi trong niềm hứng khởi của bà con Sài Gòn và lục tỉnh khi họ gặp những người lính Việt Cộng. Có một cái gì như thân thiết gắn bó từ lâu lắm. Ấy là vì ai cũng mong một ngày Hòa Bình, một ngày Thống Nhất như thế này, cái ngày mà những đường phố Sài Gòn trào lên đầy mê hoặc. Mọi con người như thăng hoa, còn những nụ cười nở rộ trên gương mặt mọi người. Ai gặp nhau cũng như thân quen, như họ hàng, như bà con, như bè bạn. Những cuộc vui mừng Hòa Bình Thống Nhất được mở ra không chỉ khắp Sài Gòn mà là khắp mọi miền Tổ quốc. Những ngày ấy, chúng tôi đi tới đâu cũng được mời, gặp ai cũng hớn hở. Đó chính là không khí của “Mùa xuân đầu tiên” trong Khải Huyền của Kinh Thánh, Mùa xuân đầu tiên khi Quang Trung - Nguyễn Huệ tiến quân vào thành Thăng Long, đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh, báo hiệu một nước Việt Nam thống nhất.
Hình ảnh xúc động về ngày 30.4.1975 thống nhất đất nước. Ảnh: TƯ LIỆU
2. Khi tôi gặp một người lái xe lam bên chợ Cũ, được ngồi uống bia với anh, được anh kể mình có họ hàng với chị Phan Thị Quyên - vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, tôi như được gặp tất cả những bà con người Bắc đã di cư vào Nam năm 1954, được lắng nghe những tâm tình của họ, đồng cảm với nỗi nhớ thương của họ về quê hương miền Bắc, nơi họ đã ra đi từ 21 năm trước. Có dân tộc nào như dân tộc chúng ta, đã bao lần chia ly rồi đoàn tụ, đã trải qua bao “cuộc bể dâu” mà lòng khôn nguôi nhớ về quê cha đất tổ. Một dân tộc như thế không thể không Thống Nhất, không thể không được sống trong Hòa Bình.
Có thể ở một nơi nào trên trái đất, có một vài dân tộc khác phải chịu cảnh chia ly nhiều hơn, nhưng với Việt Nam thì không. Chia ly 21 năm với dân tộc chúng ta đã là quá dài. Không một ai mong cảnh chia ly đau lòng ấy. Nếu chúng ta hiểu ngày 30.4.1975 là ngày hiện thực hóa một khát vọng thống nhất của toàn thể một dân tộc, chúng ta sẽ dịu lòng hơn với bao trắc trở ở phía trước. Nhưng con đường dân tộc Việt Nam đã đi, đang đi và sẽ đi vẫn là con đường của thống nhất và hòa hợp dân tộc, không thể khác!
Tôi chợt nhớ, trong một lần ở trong rừng được trò chuyện thân mật với người thủ trưởng của tôi, ông Bảy Dự, lúc ấy là Phó ban Thường trực Ban Binh vận Trung ương Cục và là một “trùm tình báo”, ông Bảy Dự đã nói với tôi: “Dù phải chờ đợi tới mấy thế hệ để thấy dân tộc chúng ta thực sự hòa hợp, chúng ta vẫn kiên nhẫn chờ.” Những năm ấy, tôi là phóng viên chiến trường thuộc Ban Binh vận Trung ương Cục, và chuyên viết về đề tài hòa giải, hòa hợp dân tộc cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng. Tôi nghe lời tâm tình của ông Bảy Dự, và tôi hiểu con đường đi tới thực sự hòa hợp dân tộc còn xa và vô vàn khó khăn, nhưng chúng ta chọn con đường ấy, và chung thủy đi trên con đường ấy.
3. Mùa Thống Nhất với chúng tôi là khát vọng cao nhất trong những năm tháng chiến tranh; luôn là mùa giàu xúc cảm nhất đối với tôi, một người đã phải xa cha mẹ để vượt Trường Sơn, và sống 5 năm ở chiến trường Nam Bộ. Biết bao là kỷ niệm với bạn bè, đồng đội. Có một người bạn thân của tôi ở chiến khu miền Đông, sau này anh và gia đình sang định cư tại Australia. Mới đây, bạn tôi gọi điện về cho tôi, và nói: “Những năm anh em mình ở rừng miền Đông là những năm đẹp nhất trong cuộc đời mình!”. Tôi đã khóc khi nghe anh nói vậy. Đúng đó là những năm tuổi thanh xuân đẹp nhất của chúng tôi, “Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn” (thơ Chế Lan Viên) đi chăng nữa. Chúng tôi đã sống đã dâng hiến và đã chịu đựng cùng với nhân dân với đất nước mình.
Nhớ một ngày tháng 6 năm 1975, tôi và anh em văn nghệ giải phóng miền Trung được về thị xã Quy Nhơn, sau khi đã đi qua rất nhiều tỉnh thành Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ. Ngày ấy Quy Nhơn trong tôi là kỷ niệm về 21 năm trước, khi đứa bé 8 tuổi là tôi chuẩn bị xuống tàu đi tập kết ra Bắc ở bãi biển Quy Nhơn, là bài thơ “Thưa Mẹ trái tim” của nhà thơ “ngọn lửa bất tử” Trần Quang Long, là bài thơ “Sóng vẫn đập vào eo biển” của nhà thơ tranh đấu Lê Văn Ngăn, là những đường phố Quy Nhơn bé nhỏ và đầy bụi cát.
Quy Nhơn về đêm đẹp lung linh. Ảnh: TRẦN THỊ NHÂN DUYÊN
Bây giờ, sau 46 năm, nếu ai như tôi quay trở lại Quy Nhơn, sẽ sững sờ trước một thành phố tuyệt đẹp vẫn nằm bên bờ biển, nhưng đã là thành phố du lịch, thành phố của khát vọng vươn lên tươi đẹp và giàu có. Vâng, với Quy Nhơn, phải tươi đẹp thì mới giàu có. Phải có sức thu hút du khách bốn phương thì mới mở mày mở mặt.
Bạn tôi, một nhà thơ quê Hải Phòng và nhiều năm sống ở Hà Nội, đã viết những tác phẩm nồng nàn, cả thơ và nhạc, về Quy Nhơn, ngay từ lúc Quy Nhơn còn mảnh mai bé nhỏ. Những văn nghệ sĩ bạn tôi, tới mấy chục người, vào năm 1987 chúng tôi đã đồng ký tên vào một dự án mang tên “Quy Nhơn thành phố Thơ ca và Du lịch”, gửi lên cho lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình và lãnh đạo TP Quy Nhơn. Những điều chúng tôi mong ước rất cụ thể về thành phố này, sau 30 năm đã trở thành hiện thực, vượt quá mơ ước ngày ấy của chúng tôi.
Quy Nhơn cũng là nơi hai đứa con của tôi lớn lên trong những năm hết sức nghèo khổ thời bao cấp, và tới bây giờ, chúng vẫn không bao giờ quên thành phố này, nơi chúng đã sống tuổi thơ của mình hết sức hồn nhiên trong tình yêu thương của những bác những chú những cô thân thiết với gia đình.
Khi tôi có dịp đi trên đường Xuân Diệu, con đường bờ biển Quy Nhơn đã có với tôi bao kỷ niệm, tôi bỗng da diết nhớ nhà thơ đàn anh của mình, một người yêu Quy Nhơn, yêu Tuy Phước, yêu Gò Bồi quê mẹ hơn bất cứ ai, người cũng đã mơ về một TP Quy Nhơn đẹp đẽ như hôm nay. Nhưng nhà thơ ấy còn yêu nhân dân mình hơn tất cả:
“Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu”
(Xuân Diệu “Những đêm hành quân”)
Với chúng ta, khát mong Hòa Bình là khát mong miên viễn.
Không ai trong chúng tôi thực sự bằng lòng với những năm mình sống trong hòa bình, nhưng “Hòa bình làm trẻ lại con người” (thơ Paul Eluard), và hòa bình cho chúng ta những cơ hội để xây dựng lại đất nước, xây dựng cả những gia đình bé nhỏ của mình.
THANH THẢO