Về một lá thư thời chiến
Đó là lá thư của một chiến sĩ quân giải phóng từ hậu cứ gửi cho vợ mình ở vùng tạm chiếm. Cuộc hành trình đi qua nửa vòng trái đất rồi trở về với chính người viết ra nó, bức thư ấy đã trải qua những bi kịch ít ai ngờ rồi vỡ òa trong hạnh phúc của ngày đoàn viên.
Số phận kỳ lạ
Tính đến lúc nhà văn Nguyễn Quang Sáng tiếp cận được với lá thư ấy, nó đã thất lạc 22 năm, đi qua nửa vòng trái đất, từ vùng rừng Trà My tỉnh Quảng Nam heo hút sang tận nước Mỹ xa xôi.
Tình cờ, đạo diễn Trần Minh Đại, người từng gắn bó với Điện ảnh Khu 5 những năm chống Mỹ đọc được một bài báo của nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói về bức thư kỳ lạ của một anh bộ đội ở vùng rừng Trà My gửi người vợ của mình ở hậu cứ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi nhưng lại lưu lạc tận bên Mỹ. Hành trình của bức thư từ Việt Nam sang Mỹ thời còn chiến tranh rồi lộn ngược trở về Việt Nam sau ngày hòa bình đã kéo theo bao nhiêu phỏng đoán của những người trực tiếp hoặc gián tiếp can dự vào bức thư ấy. Cuộc “đoàn viên” của bức thư với chủ của nó sau hơn 22 năm (1967 - 1989) đã khiến tất cả những người trong cuộc vỡ òa. Đạo diễn Trần Minh Đại muốn nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người phát hiện bức thư ấy bên Mỹ, dẫn dắt câu chuyện khá ly kỳ này trong bộ phim của ông. Thế là Nguyễn Quang Sáng lên đường ra Quảng Ngãi để làm công việc của một người “dẫn chuyện” cho bộ phim tài liệu nọ. Đó là vào mùa hè năm 2002.
Qua nửa vòng trái đất
Tác giả bức thư là ông Trần Ngọc Giao, đại tá quân đội, hiện về hưu tại xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trước khi đi tập kết năm 1954, ông Giao kịp để lại cho vợ mình là bà Huỳnh Thị Cúc một cậu con trai 2 tuổi, tên Trần Hoàng Triệu. Ông Giao hồi kết sớm và sống tại vùng căn cứ kháng chiến ở phía Tây Quảng Nam. Vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, bộ phận giao liên đã kết nối ông với người vợ vẫn đang bám trụ cùng ruộng vườn ở quê nhà Phổ Văn. Đầu năm 1967, ông Giao được giao liên đưa về Phổ Văn để gặp vợ. Ông Giao nhớ lại: “Phổ Văn thuộc vùng “da báo”, tức là tối thì quân giải phóng về nhưng ban ngày là chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Tôi bí mật về thăm vợ con và thật ngỡ ngàng khi thấy cháu Triệu sắp thành một thanh niên dù mới chỉ 15 tuổi. Tôi nghĩ, chỉ vài ba năm nữa, nếu chiến tranh vẫn còn, thế nào rồi cha con cũng hướng họng súng vào nhau vì ở vùng này thanh nhiên rất dễ bị bắt đi lính. Tôi quyết định nhanh, xin phép nhà tôi để được dẫn cháu lên rừng cùng với bố. Thế là Triệu từ biệt mẹ rồi lên đường theo bố”.
Hai cha con phải mất cả tuần mới trở lại vùng rừng Trà Mi. Ông Giao hứa với bà Cúc là khi “lên tới nơi” thì sẽ viết thư về báo tin ngay. Ông đã thực hiện lời hứa với vợ, song bức thư ấy không đến được tay bà Cúc trong quãng thời gian sau đó mà phải mất 22 năm sau, bà Cúc mới đọc được nội dung lá thư thất lạc tận bên Mỹ được nhà văn Nguyễn Quang Sáng mang về và đăng lên báo.
“Tôi cứ yên tâm là vợ tôi đã biết được thông tin hai cha con đã đến vùng căn cứ kháng chiến Tây Quảng Nam chỉ sau một vài tuần. Thế nhưng, vợ tôi vì không nhận được tin tức gì nên cứ nghĩ có thể hai cha con tôi đã hy sinh trên đường trở lại căn cứ. Người giao liên nào đó đã mang lá thư ấy chuyển về địa chỉ cần nhận nhưng có lẽ anh/chị ấy đã hy sinh trên đường đi. Người lính Mỹ nào đó đã tìm thấy bức thư trong chiếc túi mà người giao liên nọ vừa ngã xuống chăng? Thời chiến tranh, mỗi khi lính Mỹ tiếp cận với một chiến sĩ nào đó của ta bị tử thương, họ hay thu “chiến lợi phẩm” của đối phương. Lá thư ấy là một trong những “chiến lợi phẩm” đã được mang về tận nước Mỹ”- ông Giao lý giải vì sao bức thư lại không đến tay vợ mình cùng hành trình vạn dặm của nó để qua bên kia bờ Thái Bình Dương và có mặt tại một bảo tàng thuộc ĐH Massachusetts.
Cuối năm 1989, bấy giờ bang giao hai nước Việt-Mỹ vẫn chưa trở lại bình thường, 3 nhà văn Việt Nam, cũng là những cựu binh từng tham chiến, đã đặt chân lên đất Mỹ. Đó là các nhà văn Nguyễn Khải, Lê Lựu và Nguyễn Quang Sáng - những sứ giả đầu tiên có mặt tại đất nước của “cựu thù”, làm cầu nối cho việc “khép lại quá khứ”. Sau khi tiếp xúc với các nhà văn cựu binh của Mỹ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có thăm quan thư viện Trường ĐH Massachusetts. Đây là nơi lưu giữ nhiều hiện vật của quân đội Mỹ cũng như của bộ đội Việt Nam. Nhà văn vô cùng ngạc nhiên khi đọc bức thư với nét chữ rất đẹp được lồng trong khung kính cẩn thận. Thư của người chồng ở Trường Sơn gửi vợ ở vùng tạm chiếm. Thư viết vào tháng 4.1967- giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh nhưng không hề có một dòng nào nói về bom đạn hay gian khổ. Anh bộ đội chỉ kể về cậu con trai đã theo bố lên đến hậu cứ an toàn. Anh cũng không quên nói với vợ rằng, có thể cả anh và cậu con trai của họ sẽ ngã xuống trong cuộc chiến tranh này, song ngày thống nhất đất nước sẽ đến. Tác giả của bức thư là Trần Ngọc Giao, viết ở vùng rừng Trà My, Quảng Nam, gửi vợ là Huỳnh Thị Cúc ở Phổ Văn, Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Trở về với “Tác giả”
Đọc xong lá thư, nhà văn Nguyễn Quang Sáng bần thần một đỗi, ông mới nhỏ nhẹ thưa với cô thủ thư rằng, cô có thể cho ông xin lá thư kia được không? Dĩ nhiên là không được! Nhà văn chỉ có thể mang nó về bằng bản photo. Về đến nhà, ông Sáng gửi ngay bài viết kèm lá thư cho một tờ báo có lượng phát hành rất lớn bấy giờ, với hy vọng mơ hồ rằng, nếu ai biết về lá thư này thì sẽ chuyển nó đến tận tay người lẽ ra nhận được nó từ mấy chục năm trước.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (bên phải) và đại tá Trần Ngọc Giao cùng mắc võng bên nhau như thuở Trường Sơn.
Bấy giờ, đại tá Trần Ngọc Giao đang điều trị tại một bệnh viện ở Đà Nẵng. Buổi sáng nọ, một người lính cũ lao vào giường của ông như một cơn lốc, tay cầm tờ báo: “Thủ trưởng! Thư của thủ trưởng đăng báo nè!”. Ông Giao mở xem tờ báo và thật sự ngỡ ngàng khi nhìn thấy “đứa con” của mình lưu lạc cho đến lúc đó là 22 năm 6 tháng. Ông lập tức tìm cách liên lạc với nhà văn để hỏi cho ra ngọn nguồn của lá thư. Thư qua có tin lại ngay nhưng phải đến chục năm sau, cả hai mới gặp nhau tại ngay khu vườn bên bờ sông Trà Câu, huyện Đức Phổ.
Tôi được “tháp tùng” nhà văn Nguyễn Quang Sáng về quê ông Giao. Họ gặp nhau lần đầu mừng mừng tủi tủi như thể đã lỡ hẹn từ tiền kiếp, nay mới có cuộc hạnh ngộ này. Bà Cúc đãi khách bằng một nồi cháo gà mà bà gọi là “gà đi bộ”. Bà cứ xuýt xoa về lá thư thất lạc khiến bà “nghi oan” cho chồng mấy chục năm nay. Bà mừng đến nỗi, quên cả tên nhà văn, chỉ toàn gọi “anh Cánh Đồng Hoang”. Chả là, trong lúc giới thiệu với bố mẹ mình, anh con trai Trần Hoàng Triệu cứ nhấn mạnh cho mẹ biết, chú Sáng đây là tác giả phim “Cánh đồng hoang” vẫn hay chiếu trên tivi!
Sau nồi cháo gà “đi bộ”, cả hai cựu binh mắc võng dưới tán cây cổ thụ ngoài khu vườn đầy gió của đại tá Giao. Họ nói về chiến tranh bằng vẻ mặt bình thản như thể, cả hai người lính ấy chưa hề đi qua những cuộc chia ly rớm máu của đời mình.
Bài, ảnh: TRẦN ÐĂNG