Tạo cơ chế đặc thù để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 24.7, các ÐBQH thảo luận ở tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; về đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Một nghị quyết “sáng suốt và sát hợp”
Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã được Bộ Y tế, Chính phủ soạn thảo khá đầy đủ, nhưng còn thiếu quy định về lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa (teleheath). ĐB Hiếu cho biết, teleheath đã được áp dụng hiệu quả tại Ấn Độ, Myanmar, mới đây là TP Hồ Chí Minh.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị đưa quy định về lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa (teleheath) vào Nghị quyết của Quốc hội về một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Hiếu cho hay, người dân có thể đăng ký trọn gói với tiêu chuẩn được nhân viên y tế tư vấn 2 lần/ngày; có app ghi nhận triệu chứng, trong tình huống khẩn cấp có thể gọi video với bác sĩ; có gói thuốc thiết yếu trong nhà để bác sĩ chỉ định khi sốt, ho, khó thở cần dùng thuốc nào. Quan trọng nhất là thông qua app, bác sĩ ở xa có thể giúp người dân dùng các thiết bị y tế để kiểm tra được độ bão hòa oxy, đo huyết áp, nhịp tim, thân nhiệt... Đáng chú ý là cam kết khi bệnh nhân trở nặng sẽ tìm được bệnh viện để đưa người bệnh đến chữa.
“Nguy hiểm nhất không phải là bệnh nặng. Tỷ lệ tử vong ở Việt Nam rất thấp, cả TP Hồ Chí Minh chỉ có 300 ca thở máy, năng lực điều trị vẫn tốt. Khó nhất là niềm tin của người dân. Teleheath chính là điểm tựa, là điểm bấu víu của người dân, để người dân không có tâm lý phải đi mua máy thở và thuốc về dự trữ. Cứ có ông bác sĩ nào nổi tiếng một tý nói thuốc này tốt lắm, ra hiệu thuốc lại hết. Có gói thuốc thiết yếu, được hỗ trợ kiến thức, khẳng định với người dân sẽ được cứu lúc nặng nhất thì người dân sẽ không hoang mang”, ĐB Hiếu khẳng định.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cũng bày tỏ hoàn toàn ủng hộ Nghị quyết. Đáng chú ý, Nghị quyết cho phép áp dụng các biện pháp chống dịch như đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch - biện pháp cao nhất trong phòng, chống dịch. Đặc biệt là các cơ chế đặc thù về tài chính, đầu tư, mua sắm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
ĐB Hồ Đức Phớc (Đoàn Bình Định) cho rằng, Nghị quyết chủ yếu tập trung cho công tác phòng, chống dịch, “rộng cửa” cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chống dịch giữa tình hình rất căng thẳng. Với Nghị quyết này, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ giải quyết được những vấn đề khẩn cấp, bất cập. “Trong tình hình hiện nay, để duy trì cuộc sống của người dân, vừa đảm bảo chủ quyền và an ninh quốc gia, việc ban hành Nghị quyết này hết sức sáng suốt và sát hợp”, ĐB Phớc nói.
Đảm bảo đầu tư công hiệu quả trong điều kiện ngân sách khó khăn
Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh bày tỏ băn khoăn về dự phòng ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 chỉ ở mức 10%, bằng giai đoạn 2016 - 2020. Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế vĩ mô được điều hành trong điều kiện bình thường, chỉ có năm 2020 phát sinh dịch bệnh Covid-19, nhưng 3 đợt dịch không ảnh hưởng nhiều đến tình hình KT-XH. Với giai đoạn 2021 - 2026, ngay năm đầu tiên đã gặp ngay đợt dịch lớn, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, đến các địa phương là đầu tàu kinh tế của đất nước.
“Kinh tế phát triển trong điều kiện không còn bình thường nữa, tới đây chưa rõ sẽ phải chi những gì. Để chủ động trong đảm bảo nhiệm vụ chi Quốc gia, tôi đề nghị cần cân nhắc tăng dự phòng ngân sách Trung ương lên 15%”, ĐB Lý Tiết Hạnh nói.
Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ĐB Lê Kim Toàn cho rằng, trong đầu tư công quan trọng là phải phân bổ vốn kịp thời, đúng kế hoạch và dự án có đầy đủ thủ tục.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, việc phân bổ vốn cơ bản thực hiện kịp thời, nhưng trong thực tiễn vẫn còn những lĩnh vực, dự án phân bổ vốn còn chậm, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch tổng vốn đầu tư công là 2 triệu tỷ đồng. Kết quả thực hiện, nguồn vốn đầu tư của địa phương vượt 200 nghìn tỷ đồng; còn vốn Trung ương hụt mất 130 nghìn tỷ đồng, nguyên nhân chính là thu không đủ cân đối nguồn chi.
Kế hoạch 5 năm tiếp theo, tổng vốn đầu tư công dự kiến tăng lên 2,7 triệu tỷ đồng. ĐB Toàn cho rằng, đây là xu hướng tích cực, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Song, tới đây dự kiến nguồn thu càng khó khăn. Các tỉnh, thành có nguồn thu lớn, điều tiết về ngân sách Trung ương đều bị dịch bệnh tác động rất mạnh; chưa kể tăng các khoản chi cho phòng, chống dịch, an sinh xã hội, thiên tai bão lũ...
“Đây là vấn đề rất lớn đặt ra, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cân nhắc hết sức kỹ nguồn thu, đảm bảo cân đối được tổng vốn 2,7 triệu tỷ đồng. Nếu tính toán không kỹ, ta xây dựng kế hoạch trên số ước, chưa lường đến hậu quả phát sinh thì sẽ khó thực hiện theo kế hoạch”, ĐB Toàn phân tích.
NGUYỄN VĂN TRANG