Tăng cường năng lực đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, chiều 25.7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới).
Khắc phục bất cập về nhân lực pháp chế
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) quan tâm đến vấn đề nổi lên là hầu hết hạn chế trong các lĩnh vực KT-XH (kể cả vướng mắc, lúng túng vừa qua ở một số địa bàn liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19) có nguyên nhân do thể chế, pháp luật còn có hạn chế, bất cập.
Vì vậy, rất xác đáng khi Chính phủ xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm 5 năm tới là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó cốt lõi là hệ thống pháp luật.
ĐB Đồng Ngọc Ba đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, khẩn trương hoàn thiện quy định về tổ chức pháp chế. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật. Từ đầu năm 2020 đến nay đã tổ chức rà soát, đánh giá hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đang còn hiệu lực của Trung ương (khoảng 230 luật; hơn 1.000 nghị định của Chính phủ, gần 1.000 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng 6.000 văn bản cấp bộ). Qua đó, phát hiện hàng trăm văn bản có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn.
Đây là nguồn dữ liệu đầu vào rất quan trọng cho việc hoàn thiện pháp luật sát với thực tiễn, đề xuất chính sách mới hoặc sửa đổi, bổ sung VBQPPL.
“Bất cập đã được phát hiện qua rà soát VPQPPL còn rất lớn ở các cấp độ văn bản khác nhau, chúng ta mới chỉ xử lý được một phần. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, coi đây là giải pháp cơ bản, thường xuyên để bảo đảm chất lượng văn bản pháp luật, vừa xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh, vừa bảo đảm hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi. Đề nghị Quốc hội, các vị ĐBQH quan tâm giám sát nội dung này”, ĐB Ba nói.
Để thực hiện được nhiệm vụ hoàn thiện thế chế nêu trên, theo ĐB Ba, một vấn đề không mới nhưng vẫn cần đặt lên hàng đầu hiện nay là tăng cường năng lực đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, trước hết là đội ngũ pháp chế chuyên trách ở các bộ, ngành và chính quyền cấp tỉnh (gọi chung là đội ngũ pháp chế).
Mặc dù đội ngũ pháp chế đã từng bước được củng cố, có nhiều đóng góp hiệu quả vào công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, nhưng nhìn chung đội ngũ này chưa ngang tầm nhiệm vụ, nhất là về tính chuyên nghiệp, kỹ năng phân tích, dự báo, xây dựng chính sách, áp dụng pháp luật.
Đặc biệt, có sự bất cân xứng giữa nhân lực với khối lượng công việc về xây dựng và thi hành pháp luật đặt ra ngày càng nhiều, nhiều việc mới, khó. Vấn đề đáng quan tâm là đội ngũ này đang có xu hướng giảm; một số địa phương hoàn toàn không còn pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Vì vậy, ĐB Ba đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, khẩn trương hoàn thiện quy định về tổ chức pháp chế. Trước mắt cần có biện pháp cụ thể sớm khắc phục một số bất cập như: Nhiều cơ quan tuyển người cho biên chế pháp chế nhưng bố trí công việc khác hoặc kiêm nhiệm; nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh hiện nay không có vị trí việc làm về pháp chế; nhiều công chức pháp chế, nhất là ở địa phương “nợ” tiêu chuẩn (khoảng 30% chưa có bằng cử nhân luật) theo quy định…
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, trước hết là thực hiện có kết quả những chỉ đạo vừa qua của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp phụ trách công tác pháp chế, chỉ đạo công tác pháp chế.
Đề nghị Quốc hội xem xét, đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025 nội dung về giải pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ pháp chế; đồng thời đề nghị hằng năm Chính phủ báo cáo việc thực hiện các giải pháp này trong báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH.
Cần có kịch bản đầy đủ để tránh bùng phát dịch
Nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới nhận được nhiều sự quan tâm. ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) bày tỏ không đồng tình với cách nhìn nhận lấy số ca nhiễm giảm ở một tỉnh làm tiêu chí đánh giá thành công trong công tác chống dịch ở đợt bùng phát thứ 4 này.
“Chủng Delta rất khó lường, có khi buổi sáng thức dậy thì tỉnh mình đã bùng phát mất rồi. Do đó, cần có kịch bản đầy đủ để tránh bùng phát dịch. Cả nước phải thực hiện chung 3 nguyên tắc: Chống lây lan tối đa; giảm tỷ lệ tử vong tối đa (ít nhất là thấp hơn hoặc tương đương các nước xung quanh chúng ta); bảo đảm phát triển kinh tế”, ĐB Hiếu nêu rõ.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh cần khẩn trương hình thành các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Hiếu cũng phần tích rõ, để giảm tỷ lệ tử vong cần chia hệ thống chống dịch thành 3 tầng. Tầng 1 đã thực hiện từ đầu mùa dịch: Các bệnh viện dã chiến chăm sóc F0 không có triệu chứng, với nhiệm vụ không để bỏ sót các triệu chứng sớm khiến họ trở thành bệnh nhân thật sự. Chính vì vậy, cách ly tập trung trong bệnh viện dã chiến cần thực hiện nghiêm túc quy trình theo dõi chặt chẽ điều kiện sinh hoạt bảo đảm. Nếu không thực hiện được như vậy, đối với vùng dịch bùng phát có thể triển khai cách ly F0 tại nhà với gói theo dõi, ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đã và đang triển khai hiệu quả ở Ấn Độ, Myanmar.
Tầng 2 đã triển khai rộng rãi từ nhiều năm nay: Các bệnh viện, TTYT tuyến huyện điều trị bệnh nhân mức độ vừa, chưa cần thở máy hay can thiệp lọc máu. Tuyến này cần nhất là đào tạo nhân viên y tế để nắm chắc các khuyến cáo, hướng dẫn do Bộ Y tế thường xuyên cập nhật. Cần đánh giá mức độ bệnh chính xác để không chuyển tuyến quá sớm hay quá muộn. Ngoài trang bị kiến thức cần khẩn trương bổ sung cho tầng này máy oxy dòng cao, monitoring theo dõi, thuốc men trong danh mục điều trị Covid-19; nguồn lực có thể từ ngân sách địa phương hoặc các nhà hảo tâm.
Nguồn: BTV
Tầng 3 là tầng quan trọng nhất nhưng chúng ta lại yếu nhất: Các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. ĐB Hiếu nhấn mạnh, cần khẩn trương hình thành các trung tâm này, chỉ nhận và điều trị bệnh nhân cần thở máy, lọc máu hay hỗ trợ ECMO (kỹ thuật hỗ trợ hô hấp - tuần hoàn bằng màng trao đổi oxy ngoài cơ thể). Nguồn lực của cả Trung ương và địa phương cần tập trung vào đây để số giường ICU (giường hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng) không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm ước tính.
NGUYỄN VĂN TRANG