1. Chương trình hành động về “Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”
Phát triển công nghiệp hiện đại, bền vững
LTS: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 14.5.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 7 chương trình hành động gắn với các lĩnh vực quan trọng trong giai đoạn mới. Đây là cơ sở để cấp ủy đảng các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của mình, đảm bảo thực hiện thành công các chỉ tiêu, mục tiêu mà nghị quyết đại hội Đảng đã đề ra.
Bắt đầu từ số báo hôm nay (2.8), Báo Bình Định lần lượt giới thiệu đến bạn đọc từng chương trình hành động với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Hoàn thành hạ tầng nhiều khu công nghiệp
Phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP là mục tiêu tổng quát của Chương trình hành động về “Phát triển công nghiệp (CN), tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”.
Phối cảnh KCN - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.
Trong đó, mục tiêu cụ thể đầu tiên là tốc độ tăng trưởng CN - xây dựng trong GRDP bình quân hằng năm tăng 9,5 - 10,2%; tỷ trọng CN - xây dựng trong GRDP đến năm 2025 đạt 31,8%; trong đó, riêng CN đạt 23%. Phấn đấu giá trị sản xuất CN năm 2025 (giá so sánh 2010) đạt 74.600 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân 9,2%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 6 tỷ USD; trong đó, phấn đấu các DN trong các khu công nghiệp (KCN) chiếm trên 50%.
Chương trình hành động cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN Nhơn Hòa (giai đoạn 2), Bình Nghi, Hòa Hội, Cát Trinh, Long Mỹ (giai đoạn 2) và các KCN trong Khu kinh tế Nhơn Hội; bổ sung quy hoạch KCN Bồng Sơn; phấn đấu sớm đưa vào hoạt động KCN - Đô thị và Dịch vụ Becamex - VSIP Bình Định.
Yếu tố phát triển bền vững cũng được quan tâm, với mục tiêu phấn đấu 100% các KCN, cụm công nghiệp (CCN) đi vào hoạt động có công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định.
Chú trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao
Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện đạt mục tiêu đó là bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành CN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ưu tiên CN chế biến, chế tạo với hàm lượng KH&CN cao, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Phát triển các ngành CN công nghệ cao, CN xanh, CN chế tạo, CN hỗ trợ… Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN; chính sách hỗ trợ phát triển CN nông thôn, làng nghề…
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các dự án công nghệ thông tin đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ thông tin đạt 1.250 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 32,2%/năm.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng đó, cần tiếp tục thu hút các DN khởi nghiệp đầu tư phát triển công nghệ thông tin (ITC), trí tuệ nhân tạo (AI) gắn với khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng CN 4.0. Từng bước tham gia vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, tiến đến hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung. Cùng với đó là thu hút các DN, tổ chức kinh tế đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo, phát triển công nghệ dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới, cốt lõi là công nghệ số nhằm thúc đẩy phát triển DN công nghệ số.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất CN nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh.
Minh bạch để thu hút đầu tư hiệu quả
Để nâng cao giá trị sản xuất CN, cần tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, hợp tác, liên kết, liên doanh của các tập đoàn, tổng công ty có tiềm lực về vốn, công nghệ hiện đại, thương hiệu mạnh. Đồng thời, sử dụng các công cụ huy động vốn mới trên thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ; áp dụng việc đầu tư trực tiếp từ các tổ chức ngân hàng, bảo hiểm như một thành viên góp vốn... đầu tư vào các ngành CN ưu tiên phát triển.
Một trong những giải pháp quan trọng để thu hút đầu tư hiệu quả là thực hiện rà soát, cập nhật và công khai minh bạch các chính sách có liên quan thu hút đầu tư vào các KCN, CCN; các vấn đề liên quan đến giá thuê đất, phí hạ tầng dùng chung, chi phí giải phóng mặt bằng, vốn ứng trước của DN... Đặc biệt là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, sản xuất CN theo hướng tinh gọn, đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, cần thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là CPTPP, EVFTA, UKVFTA, các rào cản kỹ thuật, các tình huống tranh chấp thương mại... Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, OCOP. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo tác động và nguy cơ của những yếu tố bên ngoài đến tình hình tiêu thụ hàng hóa để kịp thời định hướng thị trường cho DN. Tiếp tục tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm mang tính đặc thù, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh nhằm nâng cao giá trị thương phẩm và khả năng cạnh tranh…
● Phó Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh PHAN VIẾT HÙNG:
Sớm hình thành Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex - VSIP Bình Định
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động này, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh sẽ tích cực thu hút các nhà đầu tư, lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) hiện có và có kế hoạch phát triển các KCN mới.
Đối với các KCN đã hình thành (Nhơn Hội, Nhơn Hòa, Phú Tài, Long Mỹ, Hòa Hội), khẩn trương hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để thu hút thêm các nhà đầu tư thứ cấp; phục vụ hoạt động sản xuất của các DN được thuận lợi, nhằm tạo ra giá trị sản xuất CN tăng trưởng nhanh. Đối với các KCN đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư (Bình Nghi, Cát Trinh, Long Mỹ 2, Bồng Sơn), khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để sớm thành lập KCN, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và sớm thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp vào thực hiện đầu tư ở giai đoạn 2022 - 2025.
Đặc biệt, đối với KCN - Đô thị và Dịch vụ Becamex - VSIP Bình Định, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 175 ha/1.000 ha để đến cuối quý III/2021 giao đất cho 12 - 15 nhà đầu tư triển khai xây dựng, có thể đi vào sản xuất trong năm 2022. Các năm tiếp theo, vừa hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật phần còn lại (825 ha), vừa tiếp tục thu hút thêm nhiều nhà đầu tư thứ cấp, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hạ tầng kỹ thuật 1.000 ha, thu hút được 30 - 35 nhà đầu tư mới.
Chúng tôi luôn lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng DN, nhà đầu tư để hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện đầu tư ngày càng hiệu quả, làm tiền đề để thu hút đầu tư vào tỉnh ngày càng tốt hơn.
● Bí thư Thị ủy An Nhơn ÐẶNG VĨNH SƠN:
Đầu tư hạ tầng, tạo sức bật cho các CCN, làng nghề phát triển
Xác định phát triển CN, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, thị xã đã xây dựng kế hoạch và ban hành các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, CCN - TTCN và làng nghề trong giai đoạn 5 năm tới. Hiện nay, trên địa bàn thị xã đã quy hoạch phát triển 12 CCN với tổng diện tích hơn 325 ha. Trong đó có 10 CCN đang hoạt động thu hút 93 DN, cơ sở sản xuất; tạo việc làm ổn định cho trên 2.800 lao động.
Cơ sở hạ tầng tại các CCN, điểm sản xuất ngoài CCN và làng nghề trên địa bàn thị xã tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất CN cho thuê tại các CCN đang đi vào hoạt động đạt 50,52%. Bên cạnh đó, trên địa bàn thị xã có 24 làng nghề, trong đó 19 làng nghề TTCN, 5 làng nghề nông nghiệp, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Để đẩy mạnh phát triển CN, TTCN và làng nghề truyền thống, quan trọng là rà soát lại quy hoạch phát triển các CCN - TTCN và làng nghề để đề nghị tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các CCN, đi đôi với việc kêu gọi các DN vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN. Chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng các làng nghề có thế mạnh phát triển của thị xã như làng nghề nấu rượu Bàu Đá Nhơn Lộc, làng nghề chế biến đồ gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, làng nghề trồng mai kiểng và điểm trưng bày mai vàng Nhơn An, gắn với phát triển du lịch để làm đòn bẩy phát triển các làng nghề khác.
● Phó Giám đốc Công ty CP Ðầu tư hạ tầng KCN Nhơn Hòa TRẦN THANH DŨNG:
KCN Nhơn Hòa giai đoạn 2 sẵn sàng đón các nhà đầu tư lớn
KCN Nhơn Hòa có quy mô dự án đầu tư 282 ha, vốn đăng ký 654 tỷ đồng. Đến nay, KCN Nhơn Hòa đã xây dựng hoàn thành hạ tầng cơ sở giai đoạn 1 mở rộng với diện tích 158,7 ha và đang tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2 với diện tích 80 ha, kế hoạch đến cuối quý III/2021 sẽ hoàn thành. Tổng vốn đầu tư hạ tầng của KCN đã thực hiện đạt gần 500 tỷ đồng.
Đến nay, có 49 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký 5.796 tỷ đồng, hiện tại vốn đầu tư đã thực hiện đạt 4.019 tỷ đồng. Trong đó 15 dự án đang triển khai và hoạt động một phần có tổng vốn đăng ký là 2.260 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 819 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy đối với diện tích đất cho thuê của giai đoạn 1 và mở rộng đạt 98,5%. Riêng giai đoạn 2 tuy đang đầu tư xây dựng, hạ tầng chưa hoàn thiện nhưng cũng đã thu hút được khá nhiều DN đăng ký đầu tư, với tỷ lệ lấp đầy đạt 53,4%.
Với vị trí thuận lợi cùng hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ, hiện đại, thân thiện môi trường, các tiện ích như đường nội bộ, điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, hạ tầng viễn thông… KCN Nhơn Hòa đã sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến đầu tư.
NGUYỄN QUÝ (Ghi)
NGUYỄN VĂN TRANG