BÀI DỰ THI:
Tự soi, tự sửa suy thoái - nhân tố thành công trong xây dựng Đảng
Để Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đi vào cuộc sống một cách thiết thực hiệu quả, thì ngoài sự góp ý của tập thể, không thể thiếu nhân tố tự thân, tự giác, tự soi, tự sửa chữa những suy thoái của chính mình.
Tọa đàm kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Ảnh: VĂN TRANG
Đó chính là đánh giá sự chuyển biến tốt hay không tốt của mỗi tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên trong việc tự phê bình và phê bình, cũng như tiến hành phân loại tổ chức cơ sở đảng, xếp loại đảng viên.
Vậy làm thế nào để khơi dậy tính tự giác, tự soi, tự sửa suy thoái của mỗi tập thể và cá nhân trong quá trình thực thi nghị quyết của Đảng.
Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên nên trung thực, thành khẩn với Đảng, tự giác đấu tranh với chính mình, vì sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thì bản thân vi phạm nội dung nào, mức độ đến đâu, nguyên nhân do đâu… nhất là trong đợt kiểm điểm phân loại cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng vào cuối năm 2017 sắp tới. Ông bà ta thường nói: “Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người quay lại” và chủ trương của Đảng ta cũng rất rộng lượng trong xem xét đối với cán bộ, đảng viên thật sự nghiêm túc nhận khuyết điểm và biết hối cải. Những khuyết điểm mà mỗi cá nhân tự giác nhận trong bản kiểm điểm và nhận từ sự góp ý của tập thể là rất dễ tha thứ; ngược lại, có khuyết điểm suy thoái nhưng quanh co, đổ lỗi, lẩn tránh, thậm chí “phản công” lại người góp ý thì khuyết điểm càng nặng hơn. Và như vậy là rất khó sửa chữa, nên phải có hình thức xử lý thích đáng đối với những cán bộ, đảng viên thiếu thành khẩn.
Thứ hai, phải có thái độ khiêm tốn, thật sự cầu thị vì sự tiến bộ của bản thân mình; phải biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý của tập thể cho cá nhân một cách thiện chí, trân trọng và biết ơn đồng chí, đồng nghiệp, tổ chức Đảng đã giúp mình thấy được nhược điểm. Đó mới đúng nghĩa của tự phê bình và phê bình, nhằm mục đích xây dựng chứ không phải “đánh đổ” hay vì động cơ khác…
Thứ ba, là tự nhận, tự hứa sửa chữa nghiêm túc của từng cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm được tập thể ghi nhận là thành thật và từng cá nhân nêu rõ hướng khắc phục có tính khả thi. Đây là một việc làm có ý nghĩa trong công tác xây dựng Đảng với đời sống chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh giữa tự chịu trách nhiệm của cá nhân trước tập thể; với môi trường công tác mà mỗi người đang thực thi nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đó là cách tự soi, tự sửa suy thoái của mỗi cán bộ, đảng viên một cách có hiệu quả nhất.
Thứ tư, tạo điều kiện và môi trường thật tốt để giúp cán bộ, đảng viên sửa chữa khuyết điểm; vừa động viên nhắc nhở, vừa phân công đảng viên giám sát việc tự sửa của cán bộ, đảng viên có đúng như lời hứa, cam kết trước tập thể khi được kiểm điểm, để so sánh đối chiếu và đánh giá đúng mực sự chuyển biến nhiều hay ít, tốt hay chưa tốt của mỗi cá nhân.
Tóm lại, quá trình tiến hành các bước kiểm điểm, cần lưu ý tránh hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm “dĩ hòa vi quý” khen ngợi lẫn nhau, ít góp ý cho nhau về khuyết điểm, yếu kém; đồng thời phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là rà soát kỹ những nội dung bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu năm 2017 của mỗi cán bộ, đảng viên để xem xét đánh giá phân loại. Có như vậy thì chất lượng kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên mới thực chất, thiết thực và đạt hiệu quả, tổ chức Đảng mới xứng đáng đạt trong sạch, vững mạnh.
NGUYỄN BÁ TRÀ