Tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, giải pháp đột phá
Ðể thực hiện thành công Chương trình hành động về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho biết ngành Công Thương sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm để tạo đột phá.
● thưa ông, Chương trình hành động về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đặt ra nhiều chỉ tiêu quan trọng cho giai đoạn tới. Để đạt những chỉ tiêu này thì các lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên trong phát triển công nghiệp?
Ông NGÔ VĂN TỔNG
- Trước hết là tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề, nhất là xây dựng và đưa Dự án KCN - Đô thị và Dịch vụ Becamex - VSIP Bình Định đi vào hoạt động để thu hút các DN lớn trong nước và nước ngoài vào đầu tư, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo sự tăng trưởng cao và bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.
Tiếp theo là ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp (CN) công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách, suất đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn. Đồng thời không thu hút các dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất các ngành CN gắn với xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, trong đó ưu tiên phát triển các ngành CN công nghệ cao, CN xanh, CN hỗ trợ, chế tạo với hàm lượng KH&CN cao.
● Hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh trên thị trường thấp. Xin ông cho biết, để hỗ trợ các DN, tỉnh đã và đang thực hiện những giải pháp gì?
- Trong những năm qua, số lượng DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh (hiện có trên 6.000 DN) và chiếm tỷ lệ khá cao (96,8%) so với tổng số DN của tỉnh. Thực tế cho thấy, các DN nhỏ và vừa đã tạo ra khối lượng hàng hóa và dịch vụ ngày càng lớn, phong phú hơn, chất lượng tốt hơn, góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao mức tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và tăng giá trị xuất khẩu, góp phần tạo việc làm cho 73.000 lao động, tăng thu nhập cho người dân và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Các DN nhỏ và vừa cũng đã đóng góp khoảng 58% tổng kim ngạch xuất khẩu và 23,2% GRDP của cả tỉnh. Đó cũng là yếu tố giữ nền kinh tế ổn định và phát triển trong những năm qua.
Để hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển, tỉnh đã và đang tổ chức triển khai thực hiện nhiều cơ chế chính sách hiệu quả. Trong đó, nổi bật có chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng sản xuất cho DN nhỏ và vừa tại các KCN, CCN; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh; chủ trương ưu tiên bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển CCN, khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung cho DN nhỏ và vừa...
● Để thực hiện hiệu quả Chương trình hành động này của Tỉnh ủy, ngành Công Thương sẽ có các giải pháp đột phá nào, thưa ông?
- Ngành Công Thương sẽ xây dựng Đề án phát triển các ngành CN, thương mại tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời tích hợp những nội dung này vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng và tổ chức triển khai các phương án phát triển kết cấu hạ tầng CN và thương mại. Trong đó, sẽ tập trung vào các phương án phát triển mạng lưới cấp điện, mạng lưới truyền tải và phân phối; phát triển CCN; phát triển hạ tầng thương mại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, trung tâm hội chợ triển lãm, kho hàng hóa, hạ tầng xăng dầu, khí...
Sản xuất tôn, thép tại Nhà máy Hoa Sen - Nhơn Hội (Khu kinh tế Nhơn Hội). Ảnh: N.HÂN
Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách có liên quan. Ngay trong năm 2021 sẽ thực hiện sửa đổi, bổ sung quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh phù hợp với tình hình thực tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các phương thức triển khai xúc tiến thương mại truyền thống.
Đáng chú ý là sẽ đề xuất xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm cấp tỉnh đến năm 2025 và xây dựng các chợ đầu mối nông sản phía Nam, phía Bắc của tỉnh.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)