2. Chương trình hành động về “Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025”
Tích cực đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Chương trình hành động này đặt ra mục tiêu chung là phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đưa Bình Định trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn.
Phát triển thương hiệu du lịch biển đảo
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và bền vững, tạo thương hiệu cạnh tranh lâu dài là nhiệm vụ mang tính xuyên suốt để thực hiện hiệu quả mục tiêu của chương trình hành động này.
TP Quy Nhơn nhìn từ trên cao. Ảnh: DŨNG NHÂN
Trong đó, quan trọng nhất là ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo thành thương hiệu mạnh, có lợi thế cạnh tranh của du lịch Bình Định. Nổi bật là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp; du lịch thể thao, giải trí trên biển (công viên biển, lặn ngắm san hô, câu cá giải trí trên biển và một số loại hình du lịch, giải trí trên biển) dọc tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, Quy Nhơn - Nhơn Lý - Cát Tiến, Phù Mỹ - Hoài Nhơn, Nhơn Hải - Cù Lao Xanh…
Với các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng, yêu cầu chính là đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cách mạng của tỉnh; khai thác thế mạnh ẩm thực đặc trưng, đa dạng của địa phương.
MỤC TIÊU CỤ THỂ ĐẾN NĂM 2025:
* Tổng đóng góp của hoạt động du lịch (cả đóng góp trực tiếp và gián tiếp) vào GRDP tỉnh đạt 20%.
* Lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 8 triệu lượt, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế.
* Phấn đấu thu hút đầu tư phòng lưu trú đạt 25.000 phòng (70% tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên); thu hút đầu tư 2 - 3 khu vui chơi, giải trí và trung tâm thương mại - mua sắm cao cấp.
* Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch là 3 ngày.
* Lao động trực tiếp phục vụ du lịch đã qua đào tạo, bồi dưỡng đạt trên 16.000 lao động.
* Đảm bảo môi trường du lịch 3 tốt (an ninh tốt, môi trường tốt, quan hệ cộng đồng tốt), 3 không (không “chặt chém”, không giành giật khách, không người ăn xin).
Quy hoạch, xây dựng phương án triển khai các hoạt động khai thác, phát huy giá trị tại một số di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; xã hội hóa công tác bảo vệ, khai thác một số di tích có tiềm năng gắn kết với các hoạt động phát triển du lịch trở thành điểm tham quan du lịch.
Cùng với đó là hình thành các tuyến du lịch gắn với điểm đến là các võ đường, làng nghề truyền thống; các di tích lịch sử- văn hóa, di tích về phong trào Tây Sơn; hệ thống tháp Chăm… Tiếp tục hình thành và phát triển các điểm biểu diễn nghệ thuật tuồng, bài chòi dân gian, võ cổ truyền Bình Định, các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng cũng cần được quan tâm hơn. Đơn cử, phát triển dịch vụ du lịch tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và Tổ hợp Không gian khoa học tại TP Quy Nhơn nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù riêng của tỉnh Bình Định - du lịch khám phá khoa học. Đồng thời, phát triển các loại hình du lịch thể thao võ cổ truyền, du lịch golf, chạy việt dã, bóng chuyền bãi biển… Phát huy tiềm năng các suối khoáng nóng, võ cổ truyền Bình Định để hình thành các sản phẩm du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…
Đầu tư hạ tầng mang tính liên kết
Để du lịch phát triển bền vững, mang lại giá trị cao, đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch là nền móng quan trọng. Trước hết, cần phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, liên kết các cụm du lịch và tại các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch.
Đồ họa: HỒNG QUẢNG
Cụ thể, hoàn thành đầu tư tuyến đường ven biển trong tỉnh từ Cát Tiến (Phù Cát) đến Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), đường ven đầm từ Cát Tiến đến QL 19 mới và các tuyến đường kết nối từ QL 1A đến đường ven biển; đầu tư điểm dừng, nghỉ trên các tuyến đường bộ. Xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường giao thông của Khu kinh tế Nhơn Hội; nâng cấp, mở rộng tuyến QL 19B đoạn Sân bay Phù Cát đến Bảo tàng Quang Trung. Đề xuất nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát thành Cảng hàng không quốc tế; đầu tư nâng cấp, cải tạo nhà ga Diêu Trì, cảng biển, cảng thủy nội địa dành cho khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tỉnh.
Cùng với đó là đầu tư xây dựng, cung cấp đầy đủ hạ tầng kỹ thuật như điện, nước sinh hoạt, viễn thông… đến các khu vực có tiềm năng du lịch để thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển các dự án du lịch; kết hợp đầu tư toàn diện đồng bộ cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường góp phần phát triển du lịch bền vững.
Đáng chú ý, tỉnh sẽ khuyến khích đầu tư các cơ sở dịch vụ phục vụ khách như nhà hàng, các trung tâm thương mại - mua sắm, vui chơi giải trí, thẩm mỹ chăm sóc sắc đẹp đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế nhằm phục vụ thị trường khách mục tiêu của Bình Định.
Phát triển du lịch đồng đều
Một trong những vấn đề quan trọng đặt ra trong thời gian đến là xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án hạ tầng, các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn du lịch trọng điểm trong tỉnh. Song, cũng cần hình thành dự án và kêu gọi đầu tư một số khu du lịch ở phía Bắc (Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão), phía Tây (Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh) nhằm tạo sự phát triển đồng đều trên địa bàn tỉnh.
NGUYỄN VĂN TRANG