3. Chương trình hành động về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”
Tập trung cho nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Chương trình hành động này đặt ra mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới, nhất là đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh. Cơ cấu hợp lý nguồn nhân lực giữa các ngành, lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển KT-XH của tỉnh, mở rộng hội nhập và giao lưu với khu vực và quốc tế.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng
Chương trình hành động đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời, nâng cao công tác đào tạo nghề đối với đội ngũ công nhân, người lao động.
Trường ĐH FPT Quy Nhơn sẽ tuyển sinh trong năm 2021. Ảnh: nuni.fpt.edu.vn
Để nâng chất công tác đào tạo nghề, trước hết cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả đào tạo. Xác định mục tiêu đào tạo nhằm bổ sung lực lượng lao động hợp lý, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động. Từ đó, xây dựng kế hoạch, định hướng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động.
Đáng chú ý là đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề theo hướng gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động và yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề đối với một số lĩnh vực theo định hướng phát triển của tỉnh như: Du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, công nghiệp công nghệ cao… và phục vụ lao động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hệ thống trường, lớp học, nhà xưởng thực hành, trang thiết bị dạy nghề sẽ được đầu tư phù hợp với từng chương trình đào tạo, phù hợp với xu thế hội nhập phát triển và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nội dung, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy được đổi mới theo hướng nâng cao tỷ lệ thời gian thực hành, tiếp cận thực tế, thực tiễn công việc sau khi tốt nghiệp. Thường xuyên cập nhật các tiến bộ KHKT trên thế giới, các thành tựu nghiên cứu mới để áp dụng đưa vào chương trình giảng dạy.
Từ thực tiễn công tác đào tạo nghề thời gian qua vẫn còn “độ vênh” với nhu cầu sử dụng lao động, chương trình hành động này quan tâm đến các cơ chế, chính sách tạo sự liên kết, phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN trong đào tạo, bồi dưỡng nghề, tạo điều kiện cho học viên vừa học nghề vừa thực hành, tiếp cận công nghệ mới hiện đại, có điều kiện thực tập thực tế tại DN. Khuyến khích xã hội hóa hoạt động dạy nghề, đa dạng hóa loại hình đào tạo và hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nghề.
Sẵn sàng nguồn nhân lực chuyên sâu
Có thể nói, vấn đề quan trọng nhất liên quan đến yếu tố con người trong quá trình phát triển hiện nay chính là chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Chương trình hành động cũng nhấn mạnh yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức cả về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. Kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn với dài hạn, giữa trong nước và ngoài nước, giữa đào tạo ở trường lớp với đào tạo qua thực tiễn để nâng cao chất lượng, năng lực thực thi công vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức.
Ðặc biệt, cần ưu tiên thu hút cán bộ có trình độ cao, chuyên ngành phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh về công tác tại các cơ quan Ðảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể; đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ để đáp ứng điều kiện cử đi học ở nước ngoài và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng cần thể hiện vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp phát triển đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xem đây là một yêu cầu và là một trong các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản, quan trọng trong kế hoạch hằng năm của các địa phương, đơn vị.
Đi vào cụ thể, cần ưu tiên đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số ngành, lĩnh vực gắn với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ, tạo môi trường, điều kiện hoạt động để trí thức nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến. Thu hút sinh viên các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước có thành tích học tập loại giỏi trở lên về địa phương công tác sau khi tốt nghiệp.
Khâu “ươm mầm” cũng quan trọng không kém, với cơ chế phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tài năng của tỉnh; xây dựng đề án lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng học sinh từ cấp học phổ thông đạt loại giỏi và có cơ chế hỗ trợ học tập, đào tạo để sau khi tốt nghiệp về phục vụ lâu dài cho tỉnh.
Bên cạnh đó, cần chú trọng thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, các chuyên gia trong nước và quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học, người Bình Định đang công tác, học tập ở trong và ngoài nước. Có cơ chế tôn vinh những người có đóng góp lớn, đem lại hiệu quả KT-XH cao cho tỉnh, tạo điều kiện về môi trường làm việc, hỗ trợ về tài chính và nhà ở để đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao yên tâm công tác và cống hiến.
Ngoài ra, cần nghiên cứu thực hiện cơ chế thuê, hợp tác, tư vấn đối với chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước trên một số lĩnh vực. Hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố, các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học, trung tâm đào tạo trong và ngoài nước để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học, nhân lực trình độ cao cho tỉnh.
● Hiệu trưởng Trường ÐH Quy Nhơn ÐỖ NGỌC MỸ:
Phát huy tốt vai trò của đội ngũ chuyên gia, trí thức
Để thực hiện thành công nhiệm vụ bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức chuyên sâu, chuyên gia đầu ngành nhằm tham gia hỗ trợ, tư vấn cho tỉnh Bình Định trong thời gian đến, theo tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp liên quan đến việc phát huy tốt vai trò của đội ngũ trí thức chuyên sâu, nâng cao chất lượng công chức quản lý hiện tại đồng thời với việc bổ sung, thu hút các chuyên gia đầu ngành.
Trước hết, cần khảo sát, thống kê, tổng hợp chính xác đội ngũ trí thức chuyên sâu trong một số ngành, lĩnh vực gắn với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp gỡ, đề nghị trực tiếp tham gia và hỗ trợ kết nối với các chuyên gia trong và ngoài nước tham vấn cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Hai là, mời các chuyên gia có uy tín trong hoạch định chính sách công bồi dưỡng ngắn hạn về quản lý nhà nước và quản trị công cho đội ngũ cán bộ quản lý. Tuyển chọn cẩn trọng công chức theo học chương trình khoa học dữ liệu ứng dụng (chương trình đầu tiên của Việt Nam được sự tài trợ của Viện khoa học dữ liệu, Tập đoàn Vingroup) tại Trường ĐH Quy Nhơn để hình thành nhóm phân tích dữ liệu tham vấn chính sách phát triển KT-XH của địa phương, chương trình thạc sĩ hệ thống nông nghiệp và tiến sĩ về chính sách công để bổ sung nguồn nhân lực lãnh đạo của địa phương ngang tầm nhiệm vụ.
Ba là, cần huy động, tận dụng hiệu quả đóng góp của chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực mà địa phương cần từ các trường đại học, viện nghiên cứu và chuyên gia đặc thù thuộc bộ phận nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn, DN lớn đầu tư vào Bình Định. UBND tỉnh cần lập đề án cụ thể trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thu hút nhân tài về địa phương làm việc.
Thứ tư, tiếp tục thành lập Tổ tư vấn phát triển kinh tế tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.
● Bí thư Huyện ủy Tây Sơn LÊ BÌNH THANH:
Từng bước nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, lâu dài và bền vững nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị của huyện trong giai đoạn mới, nhất là đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức. Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Sơn đầu tháng 3.2021, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã chỉ ra 1 trong 3 khâu đột phá của huyện là đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Để thực hiện thành công nhiệm vụ đó cần phải có những giải pháp sát hợp với thực tế với lộ trình cụ thể.
Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã trên địa bàn Tây Sơn đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, đến nay, nhân lực cấp xã có trình độ chuyên môn trung cấp còn nhiều (cán bộ 40/150 người, công chức 72/134 người). Dù đã được chuẩn hóa về bằng cấp, nhân lực cấp huyện vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Tới đây, huyện sẽ rà soát, đánh giá chính xác chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức của các cơ quan trong hệ thống chính trị; qua đó, xác định nhu cầu, định hướng đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của huyện.
Ngoài việc thực hiện các chính sách của tỉnh và Trung ương theo quy định, ngân sách huyện sẽ bố trí đảm bảo cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực từ nay đến năm 2025. Các cơ quan, đơn vị cũng phải dành một phần kinh phí chi thường xuyên cho công tác bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực.
● Giám đốc BVÐK tỉnh NGUYỄN HOÀNH CƯỜNG:
Cần chế độ đãi ngộ xứng đáng cho trình độ và mức độ cống hiến
Hằng năm, BVĐK tỉnh đều đề xuất nhu cầu tuyển dụng để bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ. Từ năm 2016 đến nay, Bệnh viện đã tuyển dụng 97 bác sĩ, trong đó có 30 bác sĩ được hưởng chính sách thu hút hỗ trợ một lần và hỗ trợ về thuê nhà ở.
Dù đã bổ sung khá nhiều, nhưng đến nay Bệnh viện vẫn chưa tuyển đủ nhu cầu, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao. Một phần nguyên nhân là chính sách thu hút của tỉnh hiện nay chưa thực sự hấp dẫn đội ngũ bác sĩ chất lượng cao; chế độ đãi ngộ chung chưa tương xứng với các bệnh viện vùng lân cận.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc đào tạo với nhiều hình thức, chú trọng đào tạo liên tục tại chỗ, tích cực nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư trang thiết bị, máy móc và cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh tiếp nhận và hoàn thiện chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên…
Bên cạnh đó, không đặt ra chính sách trói buộc mà luôn tạo môi trường làm việc thuận lợi, khuyến khích nhân lực y tế phát huy tay nghề phục vụ bệnh nhân. Vấn đề quan trọng đặt ra là chế độ đãi ngộ xứng đáng với trình độ và mức độ cống hiến của nhân viên y tế. Bệnh viện đang xây dựng và đề xuất mô hình cung cấp dịch vụ y tế, một mặt đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, một mặt tạo điều kiện sử dụng hết năng lực chuyên môn, tạo môi trường làm việc tốt, tăng nguồn thu nhập chính đáng cho nhân viên y tế, tránh tình trạng chảy máu chất xám vì so sánh về kinh tế, về chuyên môn.
HOÀI NHÂN (Ghi)
MAI LÂM