4. Chương trình hành động về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”
Ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
Chương trình hành động này đặt ra mục tiêu phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trang trại trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; nâng cao chất lượng rừng trồng; xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với nông hộ tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ; hiện đại hóa nghề cá, nhất là khâu nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ. Thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu góp phần xây dựng nông thôn ngày càng hiện đại và văn minh.
Kỳ vọng qua những con số
Trong thời điểm phát triển khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nông nghiệp chính là “bệ đỡ” của nền kinh tế Bình Định. Chương trình hành động về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025” càng có vai trò quan trọng trong giai đoạn sắp đến.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của chương trình hành động là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành NN&PTNT bình quân tăng 3,2 - 3,6%/năm.
Về trồng trọt, diện tích ứng dụng công nghệ thâm canh lúa cải tiến (SRI) đạt trên 5.000 ha; có từ 8.000 – 10.000 ha rau an toàn và hình thành chuỗi tiêu thụ, trong đó diện tích rau được chứng nhận VietGAP trên 100 ha. Với chăn nuôi, bò thịt chất lượng cao đạt 99.000 con (chiếm 30% tổng đàn); các con số tương ứng với đàn heo và gà là 242 nghìn con (chiếm 22%), 3,5 triệu con (chiếm 35%).
ĐỒ HỌA: HỒNG QUẢNG
Về thủy sản, sản lượng khai thác xa bờ đạt 200 nghìn tấn, trong đó khai thác ứng dụng công nghệ cao 72.000 tấn. Sản lượng tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt 13.000 tấn. Tàu thuyền ứng dụng công nghệ cao chiếm 36% số tàu thuyền đánh bắt xa bờ; diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 30% diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.
Với lâm nghiệp, diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 10.000 ha; diện tích rừng được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là 10.000 ha.
Chương trình hành động cũng đặt ra chỉ tiêu xây dựng 25 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; xây dựng Khu chăn nuôi Nhơn Tân (TX An Nhơn) thành vùng chăn nuôi công nghệ cao; xây dựng nhãn hiệu “Heo Hoài Ân”, “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”; tiếp tục phát triển nhãn hiệu “Gà Minh Dư” mang tầm quốc tế, hướng đến xuất khẩu.
Ứng dụng công nghệ cao đồng bộ, sâu rộng
Ứng dụng đồng bộ, hiệu quả công nghệ cao vào nông nghiệp là giải pháp quan trọng nhất để đạt được các chỉ tiêu đề ra từ chương trình hành động.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ đạt năng suất khá cao. Ảnh: Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ
Trong đó, với trồng trọt, cần thiết nhất là đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, sạch, hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn với liên kết chuỗi giá trị nông sản. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao, nhân rộng các quy trình canh tác lúa tiên tiến vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Duy trì, phát triển và mở rộng dự án cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại các vùng sản xuất lúa tập trung ở huyện, thị xã: Tuy Phước, Tây Sơn, An Nhơn, Hoài Nhơn...
Đồng thời, duy trì và mở rộng vùng sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP tại 8 vùng sản xuất rau hiện có gắn với xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm rau an toàn Bình Định tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và thị trường trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trồng rau hữu cơ, rau VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm rau Bình Định. Tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển làng nghề sản xuất cây Mai vàng Nhơn An (TX An Nhơn), làng nghề trồng hoa Bình Lâm (huyện Tuy Phước), làng hoa Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) theo hướng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả trồng hoa, bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch. Tập trung phát triển các cây ăn quả có lợi thế của tỉnh như: Bưởi, xoài, dừa xiêm... hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn và áp dụng các công nghệ cao.
Cùng với đó là phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh. Hình thành 25 DN, trang trại sản xuất chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi đạt tiêu chuẩn GlobalGAHP, VietGAHP; 10 DN được công nhận DN công nghệ cao.
Đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi của tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Tăng cường giám sát cảnh báo sớm dịch bệnh, giám sát chủ động lưu hành vi rút và giám sát huyết thanh sau tiêm phòng; góp phần đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững. Khuyến khích kêu gọi đầu tư xây dựng 2 - 3 nhà máy giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi với công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm xuất khẩu.
Với thủy sản, ưu tiên hàng đầu là thực hiện cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển khai thác xa bờ, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển; tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá; chú trọng phát triển chế biến thủy sản. Áp dụng công nghệ số, công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, công nghệ viễn thám để quản lý, vận hành tàu cá trong khai thác thủy sản. Tổ chức chuyển giao công nghệ mới trong khai thác thủy sản, nhân rộng nhanh các mô hình ứng dụng công nghệ khai thác thủy sản đạt hiệu quả cao.
Về nuôi trồng thủy sản, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng ở các vùng nuôi tập trung; tiếp tục xúc tiến nhanh hình thành Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) thành khu nuôi tôm công nghệ cao của miền Trung.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới
Chương trình hành động cũng nhấn mạnh nhiệm vụ huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; triển khai rà soát xây dựng mới các chính sách và tổ chức thực hiện các chính sách, đề án, dự án, kế hoạch đã phê duyệt; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Một trong những giải pháp đáng chú ý là hỗ trợ thành lập mới HTX nông nghiệp chuyên ngành theo sản phẩm, ngành hàng có lợi thế, có vùng nguyên liệu trên cơ sở tự nguyện, có nhu cầu của địa phương; xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo liên kết chuỗi sản xuất; ứng dụng công nghệ trong quản lý và kinh doanh ở HTX, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
NGUYỄN VĂN TRANG