Liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ là giải pháp quan trọng hiện nay để nâng cao giá trị nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Ông TRẦN VĂN PHÚC
● Lâu nay, trên lĩnh vực nông nghiệp, một trong những khâu yếu nhất là liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Để giải quyết vấn đề này, ngành sẽ có các giải pháp gì, thưa ông?
- Sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Ngày 19.7.2019, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025.
Mặc dù đã có chính sách hỗ trợ nhưng đến nay việc liên kết và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung rà soát các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, các vùng sản xuất tập trung hiện có để xác định các sản phẩm có điều kiện thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, như: Lúa giống, đậu phụng, bưởi da xanh, bò thịt chất lượng cao, heo, tôm thẻ chân trắng, cá ngừ đại dương.
Từ đó, xây dựng chính sách, kế hoạch hỗ trợ các tổ chức sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp thông qua các hội chợ, triển lãm, hội thảo kết nối cung cầu để tìm kiếm thị trường, kêu gọi DN tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản.
Kiểm tra trứng giống tại trang trại nuôi gà công nghệ cao của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh. Ảnh: Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh
Về lâu dài, trên cơ sở các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt và kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Sở phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung trên quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; ứng dụng KHKT, công nghệ cao vào sản xuất, tạo tiền đề kêu gọi các DN tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó là củng cố, phát triển các HTX hiện có, tích cực vận động thành lập mới HTXNN chuyên ngành với mục tiêu chủ yếu là liên kết các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, phân tán trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm để đồng bộ hóa khâu sản xuất theo hướng an toàn, liên kết với DN thực hiện tiêu thụ tập trung thông qua hợp đồng hoặc tự tiêu thụ sản phẩm cho thành viên gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm.
● Liên quan đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, một trong những lợi thế của ngành Nông nghiệp tỉnh là đã xây dựng 2 thương hiệu giống gà ta nổi tiếng (Minh Dư và Cao Khanh) được người chăn nuôi trong nước và quốc tế biết tới. Để hỗ trợ các DN này phát triển nhãn hiệu mang tầm quốc tế, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ có những cơ chế, chính sách gì?
- Ngành Nông nghiệp luôn quan tâm, khuyến khích DN ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi và ấp nở con giống, được hưởng lợi theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, Sở đang hỗ trợ cho Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư liên kết đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm xuất khẩu; hỗ trợ liên hệ các cơ quan chức năng giúp hoàn tất các thủ tục xuất khẩu trứng giống, gà giống theo đường chính ngạch sang Lào, Campuchia, Myanmar và tiến tới các nước châu Âu, phát triển nhãn hiệu “Gà Minh Dư” mang tầm quốc tế.
Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đang xúc tiến hợp tác với Công ty San Hà xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm quy mô 150 nghìn gia cầm, thủy cầm và 9.000 con heo/tháng. Sở sẽ quan tâm hỗ trợ, tư vấn về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, liên kết chuỗi, xây dựng, phát triển nhãn hiệu mang tầm quốc tế, các điều kiện kỹ thuật xây dựng nhà máy giết mổ động vật tập trung và thủ tục chứng nhận đảm bảo điều kiện xuất khẩu sản phẩm cho DN.
● Xin cảm ơn ông!
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) HUỲNH VIỆT HÙNG: Chuyển giao các mô hình ứng dụng công nghệ cao
Trung tâm Khuyến nông sẽ tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Trên lĩnh vực trồng trọt là thâm canh lúa cải tiến theo hướng chất lượng, hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Áp dụng các công nghệ cao như: Trồng theo hướng hữu cơ, hệ thống tưới bán tự động; mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất gắn với xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cây trồng cạn như: Bắp, đậu phụng...
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tập trung thực hiện mô hình chăn nuôi gà, heo theo hướng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAHP); nuôi bò thịt chất lượng cao; chăn nuôi gà thả đồi gắn với chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, chế biến, tiêu thụ. Về lĩnh vực thủy sản, xây dựng, chuyển giao mô hình ứng dụng công nghệ Nano trong bảo quản sản phẩm thủy sản trên tàu cá; nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi - Biofloc...
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân NGUYỄN HỮU KHÚC: Xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu Hoài Ân
Huyện Hoài Ân sẽ chú trọng xây dựng, chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm Dừa xiêm, Mít thái, Tiêu hột, Heo và Gà ta thả vườn Hoài Ân.
Giải pháp chủ yếu là đẩy mạnh chuyển giao các quy trình canh tác tiến bộ, phù hợp với từng loại cây ăn trái. Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng khoa học trong b ả o quản, chế biến trái cây theo hướng xây dựng thương hiệu, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng tiếp thị cho những loại trái cây có thị trường tiêu thụ. Thu hút và hỗ trợ DN thu mua, chế biến và kinh doanh trái cây. Khuyến khích DN đầu tư hệ thống từ đầu vào đến đầu ra.
Đồng thời, xây dựng vùng chăn nuôi heo theo hướng an toàn; xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm tập kết, mua bán động vật tập trung tại xã Ân Phong. Tiếp tục khuyến khích đầu tư các trang trại chăn nuôi gà hiện đại, tiên tiến, tạo sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ NGUYỄN VĂN THẢO: Khép kín chuỗi ngành tôm
Với sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi mong muốn phát triển thêm các phân khúc khác để giúp khép kín chuỗi ngành tôm như: Nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản, khu trình diễn nuôi tôm công nghệ cao… Đây là mắt xích quan trọng để hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho con tôm tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Việc mở rộng này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sản lượng tôm thương phẩm dự kiến của Việt Úc - Phù Mỹ là 4.500 tấn/năm, đồng thời, giúp tạo công việc cho hơn 4.000 lao động địa phương.
Với định hướng vì một ngành Tôm công nghệ cao bền vững, tất cả mọi hoạt động nuôi tôm đều gắn với bảo vệ môi trường. Khu phức hợp sản xuất tôm công nghệ cao Việt Úc - Phù Mỹ sẽ biến cồn cát vắng người ven biển Phù Mỹ thành khu cảnh quan đẹp, hệ sinh thái tốt, góp phần hạn chế quá trình sạt lở và sa mạc hóa. Trong tương lai, khu phức hợp này sẽ có thể kết nối du lịch bằng khu trình diễn, tham quan quy trình sản xuất tôm công nghệ cao, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, đưa Bình Định xứng tầm là “Khu du lịch sạch ASEAN”.
Ông CAO VĂN KHANH, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh: Tiếp tục đầu tư dự án công nghệ cao
Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh là một trong những DN sản xuất con giống gia cầm lớn nhất cả nước đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ và trang thiết bị hiện đại trong chăn nuôi và sản xuất.
Nhằm đáp ứng nhu cầu gà con giống chất lượng cao trong và ngoài nước trong thời gian tới, chúng tôi đã và đang xúc tiến đầu tư 2 dự án có giá trị trên 500 tỷ đồng vào lĩnh vực trang trại chăn nuôi công nghệcao và nhàmáy ấp nở gia cầm, thủy cầm công nghệ cao tại thôn Hòa Dõng vàthôn Hữu Hạnh (xãCát Tân, huyện PhùCát), nâng công suất sản xuất lên 50 - 60 triệu gà con giống/năm. Trong đó, khoảng 30 - 50% sản lượng con giống được đưa vào hệ thống chăn nuôi gia công.
Đây là bước tiến đáng kể để phục vụ cho chiến lược Công ty đã đề ra đến năm 2025 là sẽ hoàn thành chuỗi liên kết từ khâu ấp nở, chăn nuôi, giết mổ đến chế biến thịt, nhằm cung ứng chuỗi tiêu dùng cho người Việt và hướng đến xuất khẩu.
NGUYỄN QUÝ (Ghi)
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)