Địa phương được quyền chủ động
Bộ GD&ĐT vừa ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên. Theo đó, thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1.9. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, khung thời gian năm học này là không khả thi. Phóng viên trao đổi với PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, xung quanh vấn đề này.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ
PV: Ông nghĩ sao về khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành?
PGS-TS TRẦN XUÂN NHĨ: Khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 quy định thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1.9. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23.8. Thời gian khai giảng vẫn như mọi năm là vào ngày 5.9. Khung này đưa ra các mốc quan trọng, trong đó có mốc thời gian kết thúc năm học là trước ngày 31.5.2022.
Bộ GD&ĐT cũng quy định nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học của các địa phương. Theo đó, kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định kế hoạch thời gian năm học cho phù hợp với thực tiễn của địa phương…
Tôi cho rằng, khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 là đủ rộng để giao quyền chủ động cho các tỉnh, thành phố quyết định kế hoạch thời gian năm học của địa phương mình phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên nới thời hạn kết thúc năm học, không quy định cứng nhắc “kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch”. Với cấp tiểu học, năm học có thể khai giảng vào tháng 10, bế giảng vào tháng 7. Quan điểm ông thế nào?
Tôi thấy Bộ GD&ĐT không quy định “cứng” các mốc thời gian, mà chỉ quy định “sớm nhất”, hoặc “muộn nhất”. Ví dụ, TPHCM và một số tỉnh phía Nam không thể tựu trường vào ngày 1.9, thì lùi muộn hơn, chỉ cho học sinh đến trường khi bảo đảm an toàn theo quy định. Trong trường hợp đó, chủ tịch UBND địa phương quyết định thời gian cho học sinh đến trường, thời gian kết thúc năm học không phải 31.5 mà có thể là 15.6 hay muộn hơn. Ngược lại, địa phương có điều kiện phù hợp có thể đẩy sớm thời gian tựu trường. Quyết định này hoàn toàn trong thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Còn trường hợp bất khả kháng, các sở GD&ĐT báo cáo về Bộ GD&ĐT để bộ cùng bàn bạc, phối hợp với địa phương có giải pháp phù hợp.
PV: Nhiều phụ huynh, giáo viên đang lo lắng về chất lượng dạy và học trực tuyến. Ông có cho rằng Bộ GD&ĐT cần có giải pháp mới so với chỉ đạo hiện nay?
Theo quan điểm của tôi, học trực tuyến còn khó khăn với học sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong khi hiện nay hệ thống truyền hình của chúng ta rất tốt. Vì vậy, nếu chúng ta cho học sinh mầm non, tiểu học, phổ thông học qua truyền hình thì tốt hơn so với học trực tuyến. Chính phủ, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu, dành ngân sách cho việc này.
Theo LÂM NGUYÊN (SGGP)