Chương trình sách giáo khoa mới sẽ hạn chế điều chỉnh đến mức thấp nhất
(BĐ) - Sáng 20.8, Bộ GD&ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết một năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hội nghị do ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chủ trì. Tại điểm cầu Bình Định, có Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh, lãnh đạo sở, ngành liên quan (ảnh).
Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2020 - 2021, việc thay sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng với khối lớp 1. Các trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Cuối năm học, tất cả trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch; chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra và yêu cầu cần đạt của chương trình, học sinh mạnh dạn, tự tin; đọc thông viết thạo. 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày.
Dù vậy, chương trình còn bất cập trong như việc biên soạn sách giáo khoa nhiều hạn chế từ thiết kế đến tổ chức thực hiện; chất lượng đội ngũ nhà giáo và quản lý không đồng đều; thừa - thiếu cục bộ giáo viên; điều kiện cơ sở vật chất…
Đánh giá cao việc triển khai chương trình khẩn trương, quyết liệt và thống nhất, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu thêm về thời lượng, cơ cấu chương trình, khung chương trình cần ổn định, tránh “đẽo cày giữa đường”, song phải điều chỉnh phù hợp. “Chương trình ổn định thì sách giáo khoa cũng nên tính đến ổn định, tránh thay đổi xoành xoạch, gây áp lực cho người dân và lãng phí xã hội”, ông Vinh đặt vấn đề.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắc lại mục tiêu chính của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, phải phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Do đó, quá trình đổi mới cần kiên định mục tiêu nhưng cũng phải linh hoạt, sáng tạo để nhận được sự đồng tình và tạo được sự đồng thuận của xã hội.
Năm học 2021 - 2022, chương trình tiếp tục được triển khai cho khối lớp 1, lớp 2, lớp 6. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát trên phương diện quản lý nhà nước; các cơ chế chính sách; tăng cường thu hút nhà giáo, chuyên gia tham gia vào công việc biên thảo để có được bản thảo sách giáo khoa một cách tốt nhất…
Bộ trưởng lưu ý, có những môn học mới lần đầu trở thành môn học bắt buộc nên cần có chính sách để ưu tiên biên chế tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới, linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, những khối lớp triển khai trước thì ưu tiên đảm bảo số lượng giáo viên theo định mức quy định. Chương trình sách giáo khoa mới sẽ đảm bảo tính ổn định, hạn chế điều chỉnh đến mức thấp nhất. Năm học mới đảm bảo đủ sách giáo khoa cho tất cả học sinh… Các địa phương cần dành ưu tiên, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để triển khai hiệu quả chương trình mới. Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và chỉ đạo sát với thực tế.
THU HIỀN