Dây dưa không dứt kịch, thơ…
Bạn đọc và khán giả đã quá quen thuộc với thi sĩ, kịch tác giả tài hoa Văn Trọng Hùng. Đó là nét tài hoa của một cốt cách nghệ sĩ nghiêm cẩn với chữ nghĩa, sắc sảo và đa cảm với thế thái nhân quần. Ông nhiệt huyết với sáng tạo và như một mắc míu duyên nợ, vẫn đang từng ngày bầu bạn với cả thơ và kịch, hay nói cách khác là với chữ nghĩa.
Đọc sách. Làm thơ. Viết kịch. Với ông, đó không chỉ là một thói quen…
1. Những ai quen biết Văn Trọng Hùng đều nhận ra tinh thần tự học đáng nể của ông. Ông học rất nghiêm túc, say mê với những tri thức mới, dùng thực học để khẳng định mình. Nghe tôi hỏi, ông chỉ cười sảng khoái, bảo: “Anh quen rồi. Với lại, đọc sách giúp cho tinh thần tỉnh táo, chống được sự lão hóa não nữa”. Có lần, nhà giáo, PGS.TS Hồ Thế Hà viết tặng ông như một ký họa chân dung: “Tôi đã thấy bóng anh đổ trên trang giấy/ Trong phòng văn khuya lạnh mưa xuân/ Ngọn bút viết và xóa/ Mái tóc buồn lõa xõa/ Nỗi niềm nhân thế còn đau…”. Sự gần gũi thân tình và tính cách hào sảng của ông dễ làm người khác cảm mến. Nhưng điều vượt lên là những giá trị mà ông để lại qua các sáng tạo nghệ thuật.
Tôi tiếp cận với sáng tác của ông trước khi gặp ông. Ban đầu là thơ. Từ những bài thơ mà một người bạn lớn tuổi chia sẻ từ tập Hầu chuyện với tiền nhân với bất ngờ từ những đối thoại:“- Bà có day dứt khi nhà Lý lụi tàn tan vỡ/ Nguyên do kia cũng có từ bà?// - Thời vàng son của nhà Lý đã qua/ Không vào tay nhà Trần cũng vào tay kẻ khác// - Nếu dương trần có ngày tiếp bước/ Nỗi niềm kia bà mong ước điều gì?// - Ta mong được yêu và được làm dân dã”. Tác giả để nữ vương bộc bạch lòng mình: “Ta mong được yêu và được làm dân dã”. Đó là lời thổ lộ tự sâu kín lòng mình của Lý Chiêu Hoàng hay là chính đồng cảm của Văn Trọng Hùng với người xưa, có lẽ đều hợp lý… Cuối cùng thì phụ nữ ai cũng muốn được yêu và được sống một cuộc đời bình yên, nếu thiếu, dẫu cho đó có là nữ vương thì cuộc đời cũng chẳng vui sướng chi. Cũng từ đó còn thấy thơ của Văn Trọng Hùng tạo được kết nối với người đọc bởi cái tình nồng hậu ấm đầy.
2. Càng tìm hiểu và có dịp tiếp xúc với Văn Trọng Hùng, tôi mới hay trước Hầu chuyện tiền nhân, ông đã in ấn khá nhiều các tập thơ: Dạo khúc nhân tình (1991), Bóng trúc (2001), Đối ảnh (2006). Ngay tập thơ đầu tay, ông đã cho thấy một trách nhiệm thi sĩ khi lặn vào thế thái nhân tình, đồng cảm cùng những thân phận. Tập thơ có khá nhiều ý kiến trái chiều nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Thơ - với Văn Trọng Hùng là một đam mê vận vào số phận thế nên ít lâu sau, năm 2019, ông lại in tiếp tập thơ Ngửa mặt hỏi trăm năm.
Văn Trọng Hùng sinh năm 1954, quê ở Hoài Ân. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Văn học dân gian Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Chi hội Văn học và Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VHNT Bình Ðịnh).
Vẫn quen thuộc cùng những thi phẩm chắc về tứ, nét thơ phóng khoáng, hào sảng với thế mạnh về sự chiêm nghiệm, phản biện nhưng ở tập thơ mới nhất này, Văn Trọng Hùng xộc thẳng vào những điều nhức nhối: “thời gian sẽ mòn những vật chứng/ thời gian biển lại trong xanh/ Nhưng/ những vết nhơ của láng giếng hữu nghị kia/ thời gian/ xóa mãi/ không thành” (Thời gian). Thơ và thi sĩ, văn và người, đã có một nhất quán tính cách, rạch ròi yêu ghét, nặng lòng với nhân nghĩa ở đời, hướng về nhân quần.
3. Bên cạnh mảng thơ, Văn Trọng Hùng nổi bật ở mảng sáng tác kịch bản. Ông là kịch tác gia hiếm hoi hiện nay được các nhà hát nghệ thuật truyền thống săn đón kịch bản.
Lần đầu, tôi tiếp xúc với kịch của ông là vở Hồn tháp được Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định dàn dựng năm 2016. Với Hồn tháp, kịch tác gia Văn Trọng Hùng đã thể hiện nỗi trăn trở với vấn đề bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc. Kịch bản có sự pha trộn giữa những yếu tố truyền thống của văn hóa Champa và hơi thở cuộc sống thời hiện tại. Đây cũng là lần đầu tiên việc trùng tu di tích lịch sử được đưa vào ca kịch bài chòi. Với tôi, đây là một kịch bản hay. Một vở diễn ấn tượng, tuy nhiên phần nhiều, kịch bản sân khấu của ông hướng về mảng đề tài lịch sử.
Kịch tác gia Văn Trọng Hùng (ngoài cùng bên phải) tại buổi báo cáo tổng duyệt vở diễn Hồn tháp. Ảnh: V. PHI
Ở mảng khai thác này, ông đọc và tìm hiểu cặn kẽ các sử liệu, cả chính thống lẫn nổi trôi lưu lạc dân gian. Với ông, lịch sử như là cái đinh để ông treo những ý tưởng của mình lên. Bước ra từ những vương triều hưng phế tồn vong, những nhân vật lịch sử dã sử với bao được mất, thành bại, nhân vật hay nội dung kịch bản của ông đều hiện lên sống động, vừa quen vừa lạ. Và ở mỗi số phận nhân vật, mỗi câu chuyện đều hàm chứa những thông điệp về con người, về hành pháp, về những giá trị nhân bản, gần gũi với đời thực.
4. Ông đã viết hàng chục vở kịch và hầu hết đều được các nhà hát dàn dựng và đạt giải cao như: Nước mắt diêm vương (1992), Tiết Giao trả ngọc (1993), Phong thần (1994), Đi tìm chân Chúa (1997), Anh hùng với giai nhân (viết chung với Sỹ Chức, 1999), Luận anh hùng (2003), Nhìn lại một vương triều (2011), Đêm sáng phương nam (viết chung với Đoàn Thanh Tâm, 2012), Khúc ca bi tráng (2013), Nước non cửa Phật (2016), Quan khiêng võng (2018)… Ngay từ những kịch bản sân khấu đầu tiên, Văn Trọng Hùng đã cho thấy một tư duy nghệ thuật sắc nhạy, đặc biệt là với vở Tiết Giao trả ngọc, đã giúp ông đĩnh đạc bước vào giới sáng tác kịch bản Việt Nam.
Điều đặc biệt, là ta thấy rằng trong kịch của Văn Trọng Hùng, phảng phất quen thuộc trong thơ ông, như Tiết giao trả ngọc chẳng hạn, đã thoáng chợp một rung cảm trong bài thơ Nguyệt Cô. Hay giữa thơ và kịch của ông đã có mối đồng liên, như bài thơ Gửi Lưu Bang với kịch Mộng bá vương, bài thơ Gặp Võ Tánh ở thành Hoàng Đế với kịch Khúc ca bi tráng… Nhà thơ Thanh Thảo từng nhận định xác đáng về thơ và kịch Văn Trọng Hùng: Trong thơ có kịch, trong kịch có thơ. Tôi chung nhận định ấy với tiền bối thi sĩ. Thơ và kịch của Văn Trọng Hùng có một sự ràng rịt, tương hỗ nhau. Và có khi, cảm hứng của một thể loại sáng tác này lại bật dậy ngay khi ông đang say đắm trong một thể loại sáng tác khác.
Văn Trọng Hùng vẫn đắm say với chữ nghĩa. Có khi ông nói vui: “Mỗi ngày viết một ít, vì sợ xong sớm, lại uổng…”. Nói thế, nghĩa rằng ông đang nhập tâm lắm trong kịch bản của mình. Và khi nào đó lỡ “lơ là” dứt ra khỏi kịch, ông lại đi lạc sang thơ. Có khi ông thú nhận rằng mình hay có sự “sang số” như thế. Nói rồi ông lấy ra tập bản thảo thơ chép tay, hào sảng đọc để chia sẻ cùng bằng hữu. Ông nói: “Này! Tao mới viết bài này”, rồi say sưa: “Chưa Tết phong lan đã nở rồi/ Có phải xuân về mở cuộc chơi/ Giai nhân tài tử đều đi hết/ Để lại vườn ta mấy đóa rơi”. Có một người bạn thân tình thấy ông như thế, phải bật cười sảng khoái mà ghẹo rằng: “Anh Bảy chắc còn dây dưa dài dài với thơ và kịch”. Nghe vậy, ông cười rộ: “Thiếu thơ và kịch, thì đâu còn là Văn Trọng Hùng, sẽ nhạt nhòa lắm!”.
BÁ PHÙNG - VÂN PHI