Quan tâm đời sống người dân vùng phong tỏa kéo dài
Cùng với thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phong tỏa, yêu cầu quan trọng đặt ra đối với các khu vực giãn cách dài ngày là cố gắng tạo điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho người dân.
Khó khăn ở “điểm nóng”
Cát Tường là xã đầu tiên của huyện Phù Cát xuất hiện ca bệnh Covid-19 vào ngày 20.7.2021, là công dân từ TP Hồ Chí Minh về địa phương. Từ ngày 20.7 đến nay, toàn xã ghi nhận 122 ca F0.
Xác định tình hình dịch ở Cát Tường rất phức tạp, UBND huyện đã quyết định tạm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 24.7.2021. Tiếp đó, UBND tỉnh quyết định áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với xã Cát Tường từ 0 giờ ngày 26.7.
Người dân nhận hỗ trợ từ “Gian hàng 0 đồng” ở xã Cát Tường vào ngày 3.8. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Kể từ đó đến nay, sau một thời gian dài thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg tăng cường, tình hình dịch Covid-19 ở Cát Tường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, các lực lượng chức năng đã triển khai các hình thức hỗ trợ cho người dân trong khu vực phong tỏa.
Theo ông Võ Văn Long - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phù Cát, đến nay Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức 2 “Gian hàng 0 đồng”, 10 “Chuyến xe 0 đồng” với tổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg tăng cường, tập trung nhiều nhất cho địa bàn xã Cát Tường và thị trấn Cát Tiến. Đồng thời, phối hợp với một số tổ chức, cá nhân trao quà cho các gia đình khó khăn.
Dù vậy, trên thực tế, đời sống của người dân vùng phong tỏa kéo dài gặp không ít khó khăn. Chị N.N (ở thôn Xuân An, xã Cát Tường) cho biết nhà có con nhỏ nhưng rất khó nhờ mua sữa; có thời điểm gọi cho số điện thoại của người đi chợ giúp, nhưng được trả lời “đang tạm nghỉ mấy ngày”.
Một người dân khác chia sẻ rằng, tình hình dịch nghiêm trọng xảy ra không ai muốn, người dân ủng hộ việc chính quyền siết chặt, không cho dân ra đường để mau dập được dịch. Song, cần thiết không kém là phải triển khai các biện pháp hỗ trợ phù hợp, nhiều gia đình làm nông được cấp gạo trong khi không thiếu gạo, mà cần mì tôm, rau, mắm.
“Điều người dân xã Cát Tường mong muốn nhất hiện nay là được giao, nhận hàng tiếp tế, nhất là lương thực thực phẩm với hình thức phù hợp, an toàn. Có vậy mới giải quyết được việc thiếu lương thực thực phẩm, chứ mô hình cử trưởng thôn đi chợ giúp còn nhiều bất cập”, ông D.L, một người dân ở Cát Tường bày tỏ.
Linh hoạt, phù hợp thực tế
Theo Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Trung Kiên, trong giai đoạn này, huyện đang thực hiện phong tỏa chặt để xét nghiệm tầm soát, nhất là ở “vùng đỏ”, việc cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân chủ yếu thực hiện qua các đội hỗ trợ đi chợ giúp.
“Nhìn chung hoạt động đi chợ giúp cũng đáp ứng được; tuy nhiên, cục bộ một số nơi vẫn có phản ánh chưa kịp thời, huyện đã chỉ đạo khắc phục. Sau khi sơ kết giai đoạn 1 chiến dịch xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, huyện sẽ đề xuất nới lỏng giãn cách và mở lại hoạt động một số chợ với điều kiện đảm bảo an toàn”, ông Kiên thông tin.
Khi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Phù Cát mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn lưu ý cấp ủy, chính quyền huyện, xã phải tập trung chăm lo cho đời sống của người dân, nhất là các gia đình khó khăn ở vùng phong tỏa. Với các địa phương phải giãn cách kéo dài, cần rà soát cẩn thận để phân vùng nguy cơ, trên cơ sở đó thực hiện các biện pháp quản lý phù hợp, không cứng nhắc theo địa giới hành chính.
“Phải dần dần nới lỏng phong tỏa ở những vùng an toàn với những hướng dẫn cụ thể, việc gì được làm, việc gì không được làm để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực từ sự bí bách kéo dài. Hỗ trợ, tặng quà, nhu yếu phẩm là một chuyện, cần phải tổ chức những “gian hàng an toàn” để phục vụ nhu cầu của người dân”, Phó Bí thư gợi ý.
Rõ ràng, công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, đòi hỏi những giải pháp phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể, gắn với từng địa bàn với mức nguy cơ khác nhau. Người dân cần được “tiếp sức”, nhưng cũng cần nỗ lực “đồng cam cộng khổ”, tiếp tục đồng hành với chính quyền trong hành trình gian khổ sắp tới.
MAI LÂM