Chăm sóc răng miệng lứa tuổi học đường sao cho đúng cách
Bệnh răng miệng hay gặp nhất ở lứa tuổi học đường là bệnh sâu răng sữa và viêm lợi. Sâu răng sữa xuất hiện ở trẻ chưa hoặc bắt đầu thay sang răng vĩnh viễn. Răng sữa mềm và dễ bị tác động của vi khuẩn trong miệng, dễ bị sâu. Nếu không được điều trị tốt, răng sữa bị sâu sẽ lây lan nhanh sang các răng lành khác và là điều kiện thuận lợi làm cho các răng vĩnh viễn mọc sau đó tiếp tục mắc bệnh.
Bác sĩ Phạm Lê Nguyên, Khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK tỉnh, cho biết: Không chỉ trẻ em mà cả nhiều người lớn cũng không có thói quen giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách, không biết cách kiểm tra tình trạng vệ sinh răng miệng của trẻ, chỉ đến khi trẻ đau răng, sưng, chảy máu thì cha mẹ mới biết, lúc đó thường là răng đã sâu nhiều, lợi đã viêm nặng. Khi bị viêm, lợi sẽ đỏ và sưng tấy, dễ chảy máu, miệng có mùi hôi. Vì lợi bị đau nên nhiều trẻ không chịu đánh răng thường xuyên làm cho tình trạng viêm tiếp tục nặng hơn và tạo điều kiện cho sâu răng phát triển, nếu đã có sâu răng rồi thì tình trạng sẽ nặng thêm.
Viêm lợi kéo dài và không được điều trị tốt sẽ làm lung lay và rụng răng. Bên cạnh đó thì tình trạng thay răng không được chăm sóc tốt, sâu răng, răng bị “sún” làm cho nhiều trẻ có hàm răng vĩnh viễn mọc lệch, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và còn là điều kiện cho mảng bám, vi khuẩn phát triển ở những chỗ răng mọc chen chúc, răng mọc lệch khiến quá trình đánh răng không làm sạch được sẽ gây ra các bệnh răng miệng sau này.
Vì những lý do trên, việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ là điều rất quan trọng, phải thực hiện sau mỗi bữa ăn, nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, hằng ngày đánh răng đúng cách. Nên dùng loại nước súc miệng hằng ngày như Natri Clorid 0,9% muối súc miệng lành tính, nước súc miệng có chất phòng ngừa sâu răng, nước súc miệng có hoạt chất bổ sung tái tạo men răng, làm tan các mảng bám thức ăn sẽ giúp làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng. Trong chế độ ăn hằng ngày cần bổ sung vitamin C và B12, hạn chế ăn những thức ăn quá ngọt và uống nước giải khát có ga.
Cách phòng các bệnh răng miệng ở tuổi học đường tốt nhất là các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ăn quà vặt, nhất là đồ ăn sẵn, các thức ăn đường phố không hợp vệ sinh. Khi trẻ thay răng, không nên để trẻ tự nhổ hoặc nhổ răng tại nhà cho trẻ, tránh nhiễm khuẩn và chảy máu nặng mà cần đến các phòng khám nha khoa. Cần cho trẻ đi khám răng miệng 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sớm các bệnh răng miệng.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)