Phù Cát chuẩn bị phòng, chống thiên tai
Huyện Phù Cát đang quản lý hơn 60 km đê sông cùng nhiều hệ thống kè cống, hồ đập. Nhằm chủ động đối phó với tình hình diễn biến của thiên tai, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT - TKCN - PTDS) huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động tổ chức triển khai thực hiện phương án ứng phó, bố trí lực lượng dân quân, các thành viên phụ trách địa bàn, đặc biệt ưu tiên cho các khu vực miền núi có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao; vùng ven đầm, cửa biển dễ ngập lụt, triều cường xâm hại, trong đó quan tâm hàng đầu đến việc nâng cao nhận thức cho nhân dân để chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão, thiên tai với phương châm “4 tại chỗ” .
Bộ đội giúp nhân dân xã Cát Thành khắc phục hậu quả bão lụt năm 2020.
Thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh là địa phương dễ bị triều cường, biển xâm thực. Toàn thôn có 674 hộ dân, chủ yếu sinh sống ở ven đầm Đề Gi, nơi có địa hình thấp, nên có gần 30% số hộ dân thuộc diện phải sớm di dời nơi ở khi thiên tai đến. Sau kiện toàn, củng cố Ban chỉ huy PCTT - TKCN - PTDS thôn An Quang Tây có 26 người, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong đội, sẵn sàng ứng phó với bão lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, kêu gọi tàu thuyền về nơi trú bão, neo đậu an toàn, không để một ngư dân nào trên tàu.
Ông Nguyễn Công Tại, Trưởng thôn An Quang Tây cho biết, khi có cảnh báo thiên tai trước hết chúng tôi vận động tàu thuyền neo đậu trú bão an toàn, khi triều lớn uy hiếp đến nhà cửa, sinh mạng người dân, chúng tôi sẽ đưa người dân lên 3 ô tô đã bố trí sẵn đến nơi an toàn. Năm nay do có yếu tố an toàn phòng dịch Covid-19 nên chúng tôi còn thực hiện việc di dời theo nhóm để đảm bảo tránh lây nhiễm chéo theo kế hoạch của xã.
Tại làng Sơn Lãnh, thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn có 14 hộ - 48 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Bana đã định canh định cư hơn 22 năm nay nhưng hầu hết nhà cửa đều chỉ ở mức bán kiên cố, do gần rừng núi nên nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở núi rất lớn. Ông Đinh Vừng, Trưởng làng Sơn Lãnh - xã miền núi Cát Sơn, cho biết: Chúng tôi đã kiểm tra nhà ở của từng hộ, nhà nào thấy chưa vững thì giúp đỡ nhau giằng chống cho kiên cố; bà con cũng đã cùng nhau nạo vét kênh mương để nước thoát nhanh, đắp lại các bờ để mưa lũ không gây sa bồi thủy phá.
Theo thống kê huyện có 1.200 hộ/6.000 nhân khẩu ở các xã: Cát Khánh, Cát Hải, Cát Thành, Cát Chánh, Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Tài, Cát Minh, thị trấn Cát Tiến… nằm trong vùng nguy hiểm, phải được di dời, sơ tán lên vùng an toàn trước khi lụt bão ập đến. Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN- PTDS huyện, cho biết: Cùng với các phương án di dời dân bảo đảm ANTT khi có bão, lũ xảy ra, huyện còn xây dựng phương án di chuyển dân theo vùng, nhóm để đảm bảo an toàn phòng dịch; ưu tiên di dời dân đến nơi an toàn ngay tại địa bàn.
THẾ HÀ