Nỗi niềm gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn
Gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn ở xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn đã qua rồi thời hoàng kim. Hiện nay, làng nghề nức tiếng một thời gần như đã mai một!
Ông Tô Hồng Phương, Trưởng phòng VH&TT TX An Nhơn, cho biết: Thời hưng thịnh, làng gốm Nhạn Tháp- Vân Sơn có cả trăm hộ làm nghề; sản phẩm làng nghề nghề (chum, vò, ang, chậu, thạp, bộng giếng, ống cống, ấm, nồi, bếp lò…) hiện diện ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Nhưng nay nghề gốm ở Nhạn Tháp- Vân Sơn gần như đã mai một.
Đầu tháng 10.2021, tôi về Nhơn Hậu. Trò chuyện với tôi, bà Phan Thị Xử, 59 tuổi, ở thôn Vân Sơn, chia sẻ: Ở Vân Sơn nay chỉ còn 3 hộ làm nghề, bên thôn Nhạn Tháp chỉ còn đâu chừng 2 - 3 hộ nữa. Nghề gốm cứ lụi dần, mỗi năm một chút. Đất sét ngày càng khan hiếm, giá lại cao, trong khi sản phẩm làm ra bị hàng nhựa, kim loại cạnh tranh gắt gao. Nghề không đảm bảo được cuộc sống nên bà con dần bỏ nghề. Đám con cháu không nhìn thấy tương lai trong nghề gốm nên lũ nó tìm đến những ngành, nghề khác mưu sinh.
Trong tương lai không xa, những lò gốm như thế này ở Vân Sơn sẽ không còn nữa. Ảnh: T. LỢI
Đến nay, Nhạn Tháp - Vân Sơn đã vắng hẳn người trẻ tuổi theo đuổi nghề gốm. Chẳng đâu xa, cả 4 người con của bà Phan Thị Xử đều không theo nghề của cha mẹ. Nghề gốm vốn cực, để làm ra những sản phẩm gốm có chất lượng tốt, người thợ phải mất nhiều công sức, qua nhiều khâu khác nhau như: Chọn cho được loại đất nguyên liệu tốt, ủ đất, nhồi đất, nắn đất, tạo hình sản phẩm, trồng lò, đem nung. “Bây giờ một xe đất sét cỡ 6 khối, mình mua tầm 2 triệu đồng. Giá đất cao, nhưng làm xong, rồi đem nung có khi cũng “trật chìa” - gốm bị nứt do chất đất không đảm bảo. Tuổi tôi không còn trẻ, giờ bỏ nghề thì cũng không biết làm gì nên cố bám lấy nghề mà sống thôi”, ông Cù Văn Hữu, 51 tuổi, ở thôn Vân Sơn, giãi bày.
Tuy vẫn còn theo nghề nhưng chính bà Xử nay chỉ còn làm những sản phẩm đơn giản như chậu, lò trấu. Những sản phẩm đòi hỏi nhiều công, kỹ thuật cao hơn như ấm, nồi, niêu, lu thạp…, bà đều thuê bà Nguyễn Thị Ánh, 74 tuổi, ở thôn Nhạn Tháp, đến làm.
Bà Nguyễn Thị Ánh đang chuốt gốm. Ảnh: T. LỢI
Nhưng ngay cả bà Ánh - người lớn tuổi nhất, gắn bó với nghề nhiều năm nhất và trình độ chuốt gốm cao nhất - cũng tâm sự: “Tôi ráng làm 1 - 2 năm nữa rồi nghỉ, chứ tuổi đã cao. Ngồi cả ngày lưng đau, xương cốt rão ra. Tôi trăn trở là sau tôi và bà Thay (Võ Thị Thay, 60 tuổi) chắc không còn ai chuốt được gốm nữa”.
Theo ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, liên tục nhiều năm gần đây nghề gốm ở Nhạn Tháp- Vân Sơn gặp khó khăn, số hộ còn làm nghề rất ít, giá nguyên liệu đất sét cao, trong khi giá bán thành phẩm thấp, khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại bằng chất liệu khác thấp. Chia sẻ về sự mai một của làng gốm Vân Sơn - Nhạn Tháp, theo ông Phan Thanh Hòa, Trưởng Phòng Kinh tế TX An Nhơn, làng nghề này không đủ điều kiện để được công nhận làng nghề truyền thống bởi số hộ gắn bó với nghề quá ít. Nếu được công nhận, việc hỗ trợ bà con có thể sẽ đỡ hơn một chút.
Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết thêm: Sau này, nếu điều kiện máy móc, công nghệ làm gốm có thay đổi, số hộ làm nghề trong làng tăng lên, đảm bảo điều kiện công nhận làng nghề truyền thống, ngành kinh tế, văn hóa sẽ tính toán trở lại. Trước mắt, trong năm 2022, thị xã sẽ nghiên cứu phương án hỗ trợ cho các hộ còn làm nghề thông qua chương trình, đề án khuyến công, với mục tiêu cố gắng giữ nghề gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn tránh bị thất truyền.
TRỌNG LỢI