Việt Nam có 15 triệu người hút thuốc: Nhiều nguy cơ khi mắc Covid-19
Các tổ chức và chuyên gia y tế công cộng hàng đầu lo ngại rằng những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh trong tình trạng nặng hơn nếu mắc Covid-19.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra khốc liệt trên thế giới và cướp đi sinh mạng của nhiều người, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc và làm trầm trọng hơn các bệnh nền, khiến người mắc Covid-19 có nguy cơ tử vong cao hơn.
Đẩy mạnh xây dựng khách sạn, nhà hàng không khói thuốc lá. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các tổ chức và chuyên gia y tế công cộng hàng đầu lo ngại rằng những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh trong tình trạng nặng hơn nếu mắc Covid-19, bởi Covid-19 tấn công và làm suy yếu phổi nhanh chóng.
Chính vì vậy, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang đẩy mạnh và tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đồng thời nhân rộng các mô hình môi trường không khói thuốc, trong đó có chú trọng xây dựng khách sạn, nhà hàng không khói thuốc để hạn chế mức thấp nhất người hít phải khói thuốc lá thụ động.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 15 triệu người trưởng thành hút thuốc, số người không hút thuốc là 75 triệu người, gấp 5 lần số người hút thuốc.
Nghiên cứu năm 2020 của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho thấy tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà hàng, khách sạn còn tương đối cao, với gần 80% khách hàng hút thuốc thụ động tại nhà hàng, 65% hút thuốc thụ động tại các khách sạn. Đây là con số khá lớn và làm ảnh hưởng tới sức khỏe của những người xung quanh. Đa số khách hàng, kể cả những người hút thuốc đều không thấy thoải mái, dễ chịu khi ở trong một nhà hàng, quán cà phê đầy mùi khói thuốc.
Tại Việt Nam, WHO ước tính mỗi năm có gần 6.000 người chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá thụ động.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, việc vi phạm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các nhà hàng, quán cà phê còn diễn ra phổ biến. Điều đáng lo ngại là trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng xấu đến thanh thiếu niên và những người sử dụng.
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15.11.2020, đã tăng mức xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm bị cấm lên gấp gần 2 lần.
Cụ thể: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Theo Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng đều chứa chất nicotine gây nghiện, có thể gây nguy hại đến hệ hô hấp và tim mạch của chính người hút và cả những người xung quanh.
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khói thuốc có thể tồn tại ở khắp mọi nơi và đặc biệt không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu đa phần là phụ nữ và trẻ em.
Kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam gần đây cho thấy có 72,5% người không hút thuốc ủng hộ quy định cấm hút thuốc trong nhà hàng. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định: Cấm hút thuốc lá hoàn toàn tại các khu vực trong nhà của nhà hàng và quán cà phê.
Vì vậy, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan đầu mối được Chính phủ giao thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đang nỗ lực triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt ở những nơi công cộng, nhà hàng, quán cà phê.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, việc tuyên truyền để mọi người nhận thức rõ việc bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19.
Trong các chiến dịch phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2021-2022, tổ chức Y tế toàn cầu Vital Strategies tiếp tục đồng hành cùng Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) thực hiện chiến dịch truyền thông: “Hãy lên tiếng bảo vệ sức khỏe của bạn và những người thân yêu” nhằm khuyến khích mọi người lên tiếng bảo vệ bản thân và người thân khỏi ảnh hưởng của hút thuốc lá thụ động, kêu gọi người hút thuốc bỏ thuốc lá vì sức khỏe bản thân và hạnh phúc gia đình.
Theo T.G (Vietnam+)