Phát huy giá trị tháp Champa: Tu bổ, tôn tạo gắn với phát triển du lịch
Những năm qua, tỉnh Bình Định quan tâm trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích tháp Champa, góp phần gìn giữ một loại hình di sản độc đáo của nhân loại, từng bước phát huy hiệu quả trong phát triển du lịch của tỉnh.
Bình Định có 8 cụm tháp Champa với 14 tháp, gồm: Bình Lâm, Bánh Ít (huyện Tuy Phước); Cánh Tiên, Phú Lốc (TX An Nhơn); Thủ Thiện, Dương Long (huyện Tây Sơn); tháp Đôi (TP Quy Nhơn) và Hòn Chuông (huyện Phù Cát). Trong đó, 7/8 cụm tháp Champa ở Bình Định (trừ tháp Hòn Chuông) đã được công nhận di tích cấp quốc gia; riêng tháp Dương Long được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2015.
Được hệ thống chiếu sáng mỹ thuật tôn vinh vẻ đẹp, di tích tháp Bánh Ít có thêm sức hút mới với du khách. Ảnh: KHỔNG XUÂN HIỀN
Tháp Bình Lâm ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào cuối năm 1993, là công trình kiến trúc nghệ thuật nằm trong quần thể thành Thị Nại xưa, thuộc nhóm tháp cổ Champa có niên đại sớm nhất ở Bình Định được xây dựng vào cuối thế kỷ X - đầu thế kỷ XI.
Cuối tháng 9.2021, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ tỉnh lộ 640 dẫn vào tháp Bình Lâm. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Đường dẫn vào tháp Bình Lâm dài hơn 1,4 km, tổng mức đầu tư khoảng 36 tỷ đồng, do UBND huyện Tuy Phước làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2021 - 2022. Huyện đang triển khai các bước rà soát để đền bù, giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án theo phê duyệt. Tuyến đường này sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển du lịch tại di tích tháp Bình Lâm và làng nghề trồng hoa Bình Lâm, góp phần phát triển KT-XH, tạo thu nhập cho người dân địa phương”.
Tháp Đôi là điểm đến thu hút nhiều du khách tham quan (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: NGỌC NHUẬN
Để tiếp tục phát huy giá trị các tháp Champa gắn với phát triển du lịch, năm 2020, tỉnh đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống chiếu sáng mỹ thuật tại di tích tháp Bánh Ít nhằm tôn vinh vẻ đẹp của tháp về đêm, tạo sức hút du khách đến tham quan. Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh thông tin: UBND tỉnh cũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít, đồng thời trình Bộ VH-TT&DL thẩm định để triển khai thực hiện. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án hơn 25,6 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2021 - 2022 với các hạng mục: Hoàn thiện đường nội bộ phía Tây Nam bằng bê tông, lát đá sa thạch qua đoạn cổng chính của tháp; xây dựng khối nhà dịch vụ, đón tiếp, trưng bày, thường trực, bảo vệ, vệ sinh; xây dựng hạ tầng cảnh quan, sân vườn, bãi đậu xe; lắp đặt hệ thống chiếu sáng xung quanh khu di tích…
Ngoài ra, Sở VH&TT cũng đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL hỗ trợ kinh phí đầu tư trùng tu, tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng tại di tích tháp Dương Long, tháp Phú Lốc; chống xuống cấp tháp Thủ Thiện (giai đoạn 2). Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Sau khi triển khai chống xuống cấp tháp Thủ Thiện (giai đoạn 1) năm 2019, năm nay giai đoạn 2 chống xuống cấp tháp Thủ Thiện đang làm dang dở thì bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nên không thể hoàn thành theo kế hoạch, đành chờ đến khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh cũng đã mời đơn vị tư vấn thiết kế của Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL) vào khảo sát để đề xuất việc trùng tu tháp Dương Long đoạn từ chân tháp đến 12 m trên thân tháp…
Trong số 7/8 cụm tháp Champa của tỉnh, có 4 cụm tháp, gồm: Tháp Đôi, Bánh Ít, Dương Long, Cánh Tiên sau khi chống xuống cấp, trùng tu, tôn tạo đã phát huy hiệu quả trong việc phục vụ du lịch. Trung bình mỗi năm, 4 cụm tháp này đón hơn 100 nghìn lượt khách tham quan, trong đó có hơn 1.000 lượt du khách nước ngoài.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN