Quỹ hỗ trợ nông dân Phù Cát: Phát huy hiệu quả tích cực
Thời gian qua, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phù Cát đã đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
Năm 2017 gia đình anh Võ Văn Miền, ở thôn Thạch Bàn Đông, xã Cát Sơn được vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh ủy nhiệm về huyện để phát triển nghề nuôi bò sinh sản. Anh Miền, cho biết: Từ sự hỗ trợ ban đầu đó đến nay gia đình tôi đã có 7 con bò lai sinh sản, mỗi năm bán 4 - 5 con bê con, lãi được 60 - 80 triệu đồng. Nhờ vậy đời sống cũng khá hơn trước.
Anh Trần Văn Luận, thôn Hưng Mỹ 1, xã Cát Hưng được Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay vốn để trồng hoa cúc. Ảnh: L.N.T
Với tiềm năng và lợi thế địa phương, từ lâu nông dân thôn Hưng Mỹ 1, xã Cát Hưng đã mạnh dạn chuyển sang nghề trồng hoa cúc, tuy nhiên với quy mô sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, năng suất chưa cao. Năm 2019, được Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay vốn với điều kiện ưu đãi, 13 hộ đã vay 20 triệu đồng/hộ để phát triển nghề trồng hoa cúc và lay ơn. Nhằm giúp các nông hộ phát huy tốt số vốn được vay, Hội Nông dân xã phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc, ứng dụng KHKT vào sản xuất, thu hoạch...
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn hoa cúc của gia đình, anh Trần Văn Luận, thôn Hưng Mỹ 1 cho biết: Trước đây, gia đình thiếu vốn nên chỉ đầu tư 1 sào hoa cúc. Khi được Quỹ Hỗ trợ nông dân tạo điều kiện cho vay, gia đình tôi đã mở rộng diện tích lên 2 sào. Hiện nay, toàn bộ diện tích hoa cúc phát triển tốt và cho thu hoạch, bình quân gia đình thu nhập 15 triệu đồng/tháng/1 sào.
Thực tế cho thấy nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân được triển khai thông qua các mô hình, dự án không chỉ giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, mà còn giúp nông dân thay đổi tập quán, phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc phổ biến kỹ thuật mới, tiến bộ KHKT. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo sự liên kết giữa các nông dân cùng sở thích, cùng ngành nghề, tăng thu nhập cho từng hộ vay trong dự án. Các mô hình, dự án vay vốn góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ câu cây trồng, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Ông Phạm Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Cát, cho biết: Hiệu quả thực tế của các mô hình, dự án được triển khai từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn cho thấy, khi được hỗ trợ ban đầu tốt - đặc biệt là về vốn và kỹ thuật - hàng trăm hộ nông dân đã có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo hiệu ứng lan tỏa tốt. Hiện nay Hội Nông dân huyện đang quản lý 41 dự án với tổng vốn hơn 8,3 tỷ đồng/255 hộ vay, trong đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương có 3,1 tỷ đồng/60 hộ vay; Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh 1,2 tỷ đồng/24 hộ vay; Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện trên 4 tỷ đồng với 171 hộ được vay. Đa số các dự án đều được triển khai tại vùng dân cư tập trung, cùng đầu tư sản xuất một ngành nghề, lĩnh vực. Nhờ đó, giúp các thành viên trong cùng dự án chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Để nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp tục phát huy hiệu quả, theo ông Phạm Xuân Hoàng thời gian tới Hội Nông dân huyện và các cấp hội cơ sở tiếp tục lựa chọn những mô hình sản xuất có tính khả thi để triển khai thực hiện; vận động hội viên đóng góp xây dựng nguồn quỹ ở cơ sở cũng như tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi khác như vốn để các mô hình, dự án giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Đồng thời, tập hướng dẫn nông dân vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đảm bảo sinh lợi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng hiệu quả quỹ… Qua đó, tạo điểm tựa vững chắc cho các hội viên nông dân có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
LƯƠNG NGỌC TẤN