TỔ CHỨC LỄ GIỖ ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN TRUNG TRỰC:
Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước
Năm nay là năm đầu tiên tỉnh Bình Định tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Đền thờ Nguyễn Trung Trực (tại Dốc Sáo, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát) vào ngày 16.10 (tức 11.9 âm lịch) theo nghi lễ truyền thống. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT, về kế hoạch tổ chức lễ giỗ này.
Ông HUỲNH VĂN LỢI
Thưa ông, vì sao tỉnh ta lại quyết định tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực?
- Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868) sinh ra tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay là xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An); nguyên quán ở xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Ông là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Nam bộ, trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh oanh liệt; trong đó, có hai chiến công vang dội, là đốt cháy và đánh chìm tàu L’Espérance (Hy Vọng) trên vàm Nhựt Tảo năm 1861 và tiêu diệt đồn lũy đầu não của giặc Pháp tại tỉnh lỵ Rạch Giá năm 1868. Ông bị giặc Pháp bắt và xử chém vào ngày 27.10.1868 (tức ngày 12.9 năm Mậu Thìn).
Hằng năm, chính quyền và nhân dân tại nhiều địa phương ở Nam bộ tổ chức lễ giỗ, kỷ niệm ngày mất Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Tại Bình Định, Đền thờ Nguyễn Trung Trực được xây dựng và khánh thành vào tháng 10.2020 tại thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát đã thực hiện nhiệm vụ đón khách đến tham quan, nhưng chưa hình thành được các hoạt động kết nối du lịch. Vì vậy, việc tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; đồng thời quảng bá du lịch của tỉnh.
Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đến nay việc chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
- Dịch bệnh Covid-19 ở tỉnh ta vẫn còn diễn biến phức tạp, nên việc tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực theo nghi lễ truyền thống, đảm bảo tính trang nghiêm, thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19; do đó, không tổ chức các hoạt động liên quan, không đón khách đến viếng, tham quan. Sở VH&TT phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, ANTT tại địa phương trong lễ giỗ.
Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát. Ảnh: HOÀI THU
Sau Lễ giỗ năm nay, Sở VH&TT sẽ có giải pháp nào trong việc giữ gìn, phát huy hoạt động này?
- Năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh Bình Định tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Hướng tới Sở VH&TT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án quản lý và tổ chức các hoạt động tại Đền thờ Nguyễn Trung Trực nhằm phát huy giá trị di tích, nhất là duy trì tổ chức lễ giỗ thường niên. Việc tổ chức lễ giỗ gắn với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, TDTT, như: Biểu diễn nghệ thuật truyền thống, võ cổ truyền; múa lân, sư, rồng; hội đua thuyền; tổ chức các hoạt động về Đông y, như khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc cổ truyền cho nhân dân tại đền thờ nhân lễ giỗ (tùy theo kế hoạch hằng năm)... nhằm kết nối hoạt động du lịch, thu hút nhân dân, du khách tham quan Đền thờ Nguyễn Trung Trực.
Có ý kiến cho rằng cần phải bảo đảm sự hài hòa giữa vai trò của Nhà nước và sự tham gia của nhân dân địa phương trong việc phát huy giá trị công trình Đền thờ Nguyễn Trung Trực. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Sự tham gia của nhân dân địa phương là rất quan trọng trong công tác quản lý, tổ chức các hoạt động Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hằng năm. Điển hình tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) có thành lập Ban Bảo vệ di tích - một tổ chức xã hội tự chủ về tài chính - được cơ quan quản lý VH&TT thành phố hướng dẫn bảo tồn và phát huy giá trị di tích mộ và Đền thờ Nguyễn Trung Trực, đã phát huy hiệu quả trong việc huy động nhân dân cùng tham gia.
Tại tỉnh ta, khi xây dựng Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cũng đã tài trợ một phần chi phí; nay ngoài việc tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Quản lý và tổ chức các hoạt động tại Đền thờ Nguyễn Trung Trực, Sở VH&TT sẽ có giải pháp huy động nhân dân địa phương, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để tham gia các hoạt động tại Đền thờ, nhằm nâng cao vai trò của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc quản lý, phát huy giá trị di tích Đền thờ Nguyễn Trung Trực.
Nhằm tôn vinh Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Sở VH&TT sẽ tổ chức nghiên cứu về nhân vật này như thế nào?
- Sở VH&TT đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, lập hồ sơ để trình UBND tỉnh xem xét, xếp hạng Đền thờ Nguyễn Trung Trực là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn văn hóa của các tỉnh Nam bộ tìm hiểu, bổ sung tư liệu, hình ảnh về Nguyễn Trung Trực để phục vụ khách tham quan, thăm viếng, nghiên cứu tại đền thờ một cách tốt nhất. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tôn vinh thân thế, sự nghiệp và công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
(Thực hiện)