Giữ cho lá gan khỏe mạnh
Viêm gan do vi rút là loại bệnh truyền nhiễm gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Hiện nay đã xác định 5 loại siêu vi viêm gan là A, B, C, D, E . Trên thực tế lâm sàng người ta chia 2 thể diễn tiến: Viêm gan cấp và viêm gan mạn tính.
Triệu chứng lâm sàng của viêm gan cấp là bệnh nhân sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau hạ sườn phải, nước tiểu sẫm màu, xuất hiện vàng da, vàng mắt, niêm mạc dưới lưỡi vàng. Đối với viêm gan mạn tính có các dấu hiệu lâm sàng như viêm gan cấp thêm vào đó khi khám sẽ thấy gan to, nếu bệnh nặng sẽ thấy bụng báng, phù chi, thiếu máu, rối loạn ý thức do hội chứng não - gan…
Bác sĩ CKII Phạm Châu Duy, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh khuyên: Các triệu chứng của viêm gan mạn tính thường không điển hình. Rất nhiều bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng và thường phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn như xơ gan nặng và ung thư tế bào gan. Do đó, để phát hiện sớm tình trạng viêm gan, đặc biệt là vi rút viêm gan B và C, nếu nghi ngờ mắc bệnh ta nên thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Trong 5 loại vi rút viêm gan thì viêm gan A và E lây theo đường tiêu hóa; viêm gan B, C và D lây theo đường máu, từ mẹ truyền sang con và quan hệ tình dục. Do vậy, để phòng bệnh ta nên thực hiện ăn chín uống sôi; không sử dụng chung kim tiêm, các dụng cụ phẫu thuật, sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục. Hạn chế sử dụng rượu, bia để phòng ngừa gan nhiễm mỡ, viêm gan.
Béo phì, thừa cân là một nguyên nhân đáng kể của bệnh gan mạn tính. Định kỳ tầm soát sức khoẻ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất. Có một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ hỗ trợ quá trình điều trị bệnh viêm gan, dự phòng tái phát. Rau, củ, quả, tinh bột giúp duy trì năng lượng cần thiết cho quá trình giải độc của gan. Hiện nay đã có vắc xin viêm gan A, B ta nên tiêm để ngừa bệnh.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)