VĨNH THẠNH TRỞ LẠI TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG MỚI:
Thận trọng mở cửa, đề cao an toàn
Xác định nguy cơ xảy ra dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục duy trì công tác kiểm soát, giám sát dịch, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp phát triển KT-XH.
Trong đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, huyện Vĩnh Thạnh ghi nhận 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (tính cả trường hợp dương tính SARS-CoV-2 được phát hiện ngày 26.10.2021), đến nay có 6 trường đã khỏi bệnh, 1 trường hợp đang cách ly theo dõi. Nhờ kiểm tra, tầm soát tốt dịch bệnh, nên công tác chỉ đạo điều hành phát triển KT-XH thuận lợi hơn nhiều địa phương khác. Người dân Vĩnh Thạnh cũng đã bắt nhịp nhanh với trạng thái bình thường mới, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
Nhịp sống bình thường trở lại
Tôi đến khu phố Định Tố, thị trấn Vĩnh Thạnh khi trời vẫn còn sớm, nhưng quán phở Phương Linh đã nhộn nhịp với khá đông khách hàng. Chị Đặng Thị Phương Linh, chủ quán phở chia sẻ: Khi địa phương cho phép kinh doanh trở lại, tôi cũng như bà con trong khu phố rất vui mừng nhưng vẫn nhắc nhau đề phòng dịch bệnh. Khách đến quán đều mang khẩu trang, giữ khoảng cách và đến nay chủ yếu vẫn mua mang về. Hoạt động mua bán thuận lợi, nhưng cả chủ và khách hàng đều ý thức được rằng, việc đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng là quan trọng nhất.
Ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh tiếp tục duy trì biện pháp 5K. Ảnh: TIẾN SỸ
Cơ sở bán hàng điện máy của ông Nguyễn Công Danh, ở xã Vĩnh Hảo cũng có nhiều khách hàng, cả chủ và khách đều mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi trao đổi, mua bán. Ông Danh vui vẻ nói: “Nhiều ngày qua, có nhiều khách hàng đến mua sản phẩm, doanh thu đạt khá. Để đảm bảo an toàn, cơ sở chuẩn bị nước sát khuẩn đầy đủ để khách hàng khử khuẩn và yêu cầu giữ khoảng cách, mang khẩu trang. An toàn là bạn, chú ạ!”.
Trên các cánh đồng làng bà con nông dân chăm chỉ chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Đang cùng các thành viên trong gia đình thu hoạch mì bán cho thương lái, ông Đinh Nhin, ở xã Vĩnh Thuận, vui vẻ cho biết: Năng suất và giá mì năm nay khá cao, nên thu nhập nhiều hơn năm trước. Ngoài gần 1 ha mì, mình còn trồng 4 ha chuối, keo lai và nuôi bò... Đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, nên gia đình mình có thu nhập thường xuyên, kinh tế ngày càng phát triển”.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, bà con nông dân vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa đẩy mạnh sản xuất. Nhờ vậy, 9 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện đạt 577,802 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, góp phần nâng giá trị sản xuất của huyện lên 1.697,329 tỷ đồng, tăng 13,4%.
Không chủ quan, lơ là
Dù Vĩnh Thạnh đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng với đặc thù huyện miền núi, giáp ranh với nhiều huyện trong tỉnh và tỉnh khác, tiềm ẩn nguy cơ dịch Covid-19 phát sinh khá cao. Vì vậy, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục đề cao cảnh giác, nâng cao tinh thần trách nhiệm các thành viên Ban chỉ đạo và Trung tâm chỉ huy, tổ cộng đồng phòng, chống dịch tại các địa phương, đồng thời chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
Huyện vẫn duy trì các điểm test nhanh, yêu cầu các xã, thị trấn phải nắm chắc số lượng người dân đang sinh sống tại địa phương, những người từ các tỉnh, thành khác đến Vĩnh Thạnh phải thực hiện khai báo y tế... kiện toàn và phát huy vai trò, tác dụng 59 tổ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cộng đồng tại 9/9 xã, thị trấn; duy trì công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các địa phương… Theo bà Nguyễn Thị Cường, Phó Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh, đến ngày 29.10, hơn 17.000 người từ 18 - 60 tuổi đã được tiêm vắc xin mũi 1 phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hiện Trung tâm tập trung tiêm vắc xin cho dân, nên vài ngày tới số lượng người dân được tiêm vắc xin sẽ tăng cao.
Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Trên lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi tập trung chỉ đạo chăm sóc cây trồng, vật nuôi vụ Mùa, đồng thời triển khai chính sách chuyển đổi cơ cầu cây trồng, mùa vụ giai đoạn năm 2021- 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chủ động các điều kiện cần thiết để chuẩn bị cho vụ sản xuất Đông Xuân 2021- 2022. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng, địa phương tiến hành rà soát lại hoạt động của các DN, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, đồng thời đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. UBND huyện cũng yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hộ kinh doanh phát triển các loại hình dịch vụ, gắn với công tác phòng, chống dịch. Ngành giáo dục đảm bảo công tác dạy và học, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong nhà trường…
PHẠM TIẾN SỸ