Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thiên tai: Lên phương án ứng phó theo từng tình huống
Vào mùa mưa lũ, nhiều địa phương trong tỉnh hay bị chia cắt, ở vùng hạ lưu các sông ngập lụt còn gây nhiều ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe của người dân. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, công tác phòng, chống dịch khi thiên tai xảy ra được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, lưu ý.
Cùng với việc xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế, khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tình huống có thiên tai, các địa phương còn xây dựng kịch bản, phương án xử lý tình huống xuất hiện người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại các điểm tránh trú an toàn; tình huống quản lý, thu dung, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19; đảm bảo an toàn khi di chuyển các đối tượng thuộc diện đang cách ly.
Tuy Phước là vùng rốn lũ, huyện sớm sẵn sàng các phương án ứng phó. Ảnh: N. NHUẬN
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Sở đã ban hành hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình huống xảy ra thiên tai. Theo đó, các địa phương phải bố trí địa điểm tránh trú an toàn, đủ rộng để đảm bảo khoảng cách an toàn phòng, chống dịch và thông thoáng, sẵn sàng các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết. Tuyên truyền, hướng dẫn cho cộng đồng về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi xảy ra thiên tai, đặc biệt là các biện pháp phòng, chống dịch khi di chuyển và lưu trú tại các điểm tránh trú an toàn. Nếu có ca F0 tại vùng chia cắt, địa phương phải thực hiện điều trị tại chỗ, cung ứng đủ thuốc và tổ chức đội ngũ y tế lưu động để phục vụ điều trị.
Theo các bác sĩ, ngoài phải phòng dịch bệnh Covid-19, mùa mưa lũ còn có các bệnh phổ biến như: Sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh về đường tiêu hóa. Người dân nên ăn chín uống sôi, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, nằm màn khi ngủ. Khi có dấu hiệu bệnh cần liên hệ ngay với nhân viên hoặc cơ quan y tế để được khám và điều trị.
Để đảm bảo thực hiện tốt các điều kiện trên, các địa phương trong tỉnh đã xác định các điểm tránh trú trên địa bàn, lên kế hoạch di chuyển dân thuận lợi, an toàn. Bác sĩ Dương Ngọc Hùng, Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước, chia sẻ: Huyện Tuy Phước, đặc biệt là 4 xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Thuận là vùng rốn lũ, thường phải di chuyển dân trong mùa mưa. Trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp, chúng tôi đã lên nhiều phương án cụ thể cho từng vùng để vừa đảm bảo an toàn cho người dân khi thiên tai xảy ra, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch. Ở phần di tản dân, các xã đã tính sẵn số lượng dân cần di tản theo từng tình huống cụ thể; đồng thời tính sẵn nơi di tản theo số lượng dân từng vùng đảm bảo 5K để phòng, chống dịch. Khi di tản dân, ngành Y tế vẫn thực hiện xét nghiệm tầm soát đối với các trường hợp và vùng nguy cơ cao.
Bên cạnh phải đảm bảo 5K, công tác xử lý, vệ sinh môi trường cũng rất quan trọng để phòng, chống các bệnh khác. Bác sĩ Lang Đình Bính, Giám đốc TTYT huyện Vân Canh, cho biết: Thực hiện hướng dẫn của Sở Y tế, chúng tôi cũng chuẩn bị cơ số thuốc để phòng, chống dịch Covid-19 trong khi thiên tai xảy ra cũng như xử lý môi trường sau khi thiên tai, bão lũ.
Trong tình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, các địa phương cũng thành lập các tổ điều trị cơ động để thực hiện ứng cứu khẩn cấp cho bệnh nhân Covid-19 hoặc cấp cứu các bệnh khác tại khu vực bị chia cắt bởi bão, lũ và điểm tránh trú an toàn. Bác sĩ Dương Ngọc Hùng cho biết thêm: Khi phát hiện trường hợp dương tính SARS-CoV-2 ở khu tránh, trú, chúng tôi sẽ bố trí cách ly ở phòng riêng và nhanh chóng đưa về cơ sở cách ly điều trị của huyện, bên cạnh đó ngành Y tế tiếp tục truy vết để xét nghiệm tầm soát. Trường hợp phát hiện F0 ở vùng chia cắt không thể đến cơ sở điều trị cách ly của huyện thì chúng tôi cũng đã thành lập trạm y tế lưu động và chuẩn bị sẵn cơ số thuốc để điều trị tại chỗ.
ĐỖ THẢO