Hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Trung Quốc
Nhận lời mời của Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 2 - 4.12.2021.
Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Việc đón Bộ trưởng Ngoại giao các nước thăm chính thức là hình thức ngoại giao trực tiếp cao nhất mà Trung Quốc đang triển khai trong bối cảnh nước này vẫn theo đuổi chiến lược "zero Covid".
Ngày 8.6.2021, tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn gặp song phương Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhân dịp tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ 6. Ảnh: Bộ Ngoại giao/TTXVN phát.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước tiếp tục duy trì xu thế phát triển ổn định.
Từ sau Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc đến nay, tiếp xúc cấp cao và các cấp được duy trì với hình thức linh hoạt: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 9.2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc (tháng 11.2021)...
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục tăng trưởng. Kim ngạch 10 tháng năm 2021 đạt 133,65 tỷ USD (vượt kim ngạch của cả năm 2020), tăng 29,23%. Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông đã chính thức vận hành thương mại. Hai bên tiếp tục trao đổi các biện pháp tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại dành cho Việt Nam, nhất trí sớm tổ chức họp Nhóm công tác về thuận lợi hóa thương mại.
Hợp tác phòng chống dịch Covid-19 đạt nhiều kết quả tích cực. Việt Nam đã tiếp nhận 3,5 triệu liều vắc xin do Trung Quốc viện trợ và 20 triệu liều vắc xin Chính phủ đặt mua thương mại. Hai bên duy trì trao đổi về quản lý biên giới trên bộ, triển khai một số cơ chế đàm phán vấn đề trên biển.
Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước vẫn còn một số vấn đề tồn tại như việc một số mặt hàng của Việt Nam chưa vào được thị trường Trung Quốc do các quy định ngặt nghèo về phòng dịch; Trung Quốc chuẩn bị áp dụng thêm một số quy định mới về kiểm tra thực phẩm, nông sản từ tháng 1.2022. Tình hình Biển Đông không xảy ra sự cố lớn song vẫn diễn biến phức tạp./.
(Theo PV/VOV.VN)