Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi: Một vài lưu ý quan trọng
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, theo lộ trình Bộ Y tế hướng dẫn, sẽ tiêm cho người từ 16 - 17 tuổi trước, sau đó hạ dần độ tuổi. Loại vắc xin tiêm trong chiến dịch là vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất, đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Trước khi tiêm, phụ huynh nên chia sẻ với các cháu lợi ích của việc tiêm chủng, cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, không bỏ bữa; tuân thủ 5K để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 tại điểm tiêm chủng; mặc quần áo rộng rãi khi đến nơi tiêm chủng, giữ tinh thần thoải mái. Việc theo dõi sau tiêm áp dụng như tiêm chủng ở người lớn. Riêng trong vòng 3 ngày đầu tiên sau tiêm, gia đình nên sắp xếp chăm sóc, hỗ trợ, theo dõi tình hình sức khỏe của người được tiêm chủng thật sát sao.
Theo các chuyên gia y tế, với vắc xin Pfizer, mũi 2 sẽ xảy ra phản ứng nhiều hơn mũi 1. Các phản ứng có thể xảy ra ở trẻ sau tiêm là buồn nôn, mẩn đỏ tại chỗ tiêm. Các phản ứng không phổ biến khác là nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa tại chỗ tiêm. Những phản ứng rất có thể hiếm gặp là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.
Đặc biệt cần lưu ý, thời gian theo dõi tại nhà trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu người được tiêm vắc xin có các dấu hiệu như: Tê quanh môi hoặc lưỡi; ở da có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ, tím tái hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó; có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội; li bì, ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; có dấu hiệu tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; nôn đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; sốt cao liên tục trên 390C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt…, thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và xử trí kịp thời.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với những người bị bệnh bẩm sinh, mạn tính như ung thư, bệnh về máu, thận…, bị phản ứng dị ứng độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào, người có bệnh nền, thì bắt buộc phải tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại bệnh viện.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)