Nông nghiệp Bình Định đang chuyển mình - Kỳ cuối: Động lực từ cơ chế, chính sách
Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao không thể làm theo phong trào hay “một sớm một chiều” mà là một hành trình cần có sự đầu tư dài hơi, triển khai đồng bộ…
Chưa đông, cũng chưa mạnh
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc thừa nhận, phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) còn “chưa đông, cũng chưa đủ mạnh”. Công tác nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Chưa hình thành được những vùng sản xuất tập trung quy mô sản xuất hàng hóa chuyên canh, áp dụng KHKT và cơ giới hóa cao gắn với thị trường. Vốn đầu tư cho nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là hạ tầng thủy lợi, thủy sản.
Tỉnh chưa thu hút được các DN đầu tư CNC vào trồng trọt và chế biến nông sản, thủy sản. Thiếu đội ngũ tư vấn đủ năng lực để hỗ trợ HTXNN, DN ứng dụng CNC phù hợp điều kiện thực tiễn.
Việc quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp CNC còn hạn chế. Chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp CNC.
Đáng chú ý, liên kết “4 nhà” bộc lộ bất cập về hành lang pháp lý để giải quyết mâu thuẫn giữa các “nhà”, nhất là DN và nông dân. Nông dân thất hứa, tự ý “bẻ kèo” phá vỡ hợp đồng, khiến DN “một đến không trở lại”. Ngược lại, DN thất hứa với nông dân, không đảm bảo hợp đồng đã ký kết.
Vụ Hè Thu 2020, huyện Phù Mỹ vận động nông dân cải tạo gần 6 ha đất ở xã Mỹ Châu không chủ động được nước tưới để trồng bắp sinh khối và mời Trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định (xã Nhơn Tân, TX An Nhơn) thu mua sản phẩm, nhằm tạo chuỗi liên kết. Trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân thông qua HTXNN Mỹ Châu với giá 1.348 đồng/ kg bắp sinh khối tại trang trại (DN hỗ trợ 98 đồng/kg tiền vận chuyển). Đến kỳ thu hoạch, nông dân “chê” giá thu mua thấp hơn thị trường nên giữ bắp lại để lấy hạt bán.
Ông Bùi Văn Toại, Giám đốc Trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định, bày tỏ: Khoảng cách từ xã Mỹ Châu đến trang trại xa nên chúng tôi đã mua giá sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn, vừa đảm bảo nguồn thu cho nông dân, vừa khuyến khích duy trì chuỗi liên kết những mùa vụ tiếp theo. Đáng tiếc nông dân không chia sẻ, không muốn hợp tác!
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chỉ rõ: “Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa cao, chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp CNC”.
Xác định lợi thế cạnh tranh
Với những hạn chế trên, tháng 5.2021, Tỉnh ủy ban hành hai chương trình hành động chiến lược để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Đó là Chương trình hành động số 11-CTr/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025 và Chương trình hành động về phát triển KH&CN giai đoạn 2020 - 2025.
Theo đó, tỉnh xác định phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên CNC, chuyển từ số lượng sang chất lượng; thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trang trại trồng trọt chăn nuôi ứng dụng CNC; nâng cao chất lượng rừng trồng; xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với nông hộ tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ; hiện đại hóa nghề cá, nhất là khâu nuôi trồng, khai thác hải sản xa bờ.
Tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT tham mưu ban hành chính sách khuyến khích ứng dụng CNC vào nuôi trồng thủy sản. Ảnh: T.SỸ
Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cũng được đề ra cụ thể hơn. Trước hết là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; tập trung thực hiện tốt việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách, đặc biệt chú trọng về ứng dụng KH&CN, huy động nguồn lực, đào tạo nhân lực...
Tăng cường nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn và sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp CNC.
Huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp; chú trọng xây dựng, hiện đại hóa trung tâm hậu cần nghề cá Tam Quan và Đề Gi, tạo động lực phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường cho biết: Các nhiệm vụ KH&CN chủ yếu được đặt hàng của Sở NN&PTNT và chiếm khoảng 30% số nhiệm vụ KH&CN được tỉnh duyệt cấp kinh phí thực hiện hằng năm. Từ nay đến năm 2025, chúng tôi tập trung các nghiên cứu triển khai tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp và ứng dụng CNC trong bảo quản, truy xuất nguồn gốc…; xây dựng cơ chế hỗ trợ, thu hút DN đầu tư nông nghiệp CNC, nhất là khu nông nghiệp, vùng chăn nuôi. Riêng năm 2021 đã khởi động 2 nghiên cứu đặt hàng, đó là: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện và cảnh báo một số sâu bệnh hại lúa (Công viên Sáng tạo TMA Bình Định); xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ thịt heo đảm bảo an toàn thực phẩm trong và ngoài tỉnh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Cơ chế, chính sách phải khả thi
Ông NGUYỄN TUẤN THANH
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU, khẳng định tỉnh tập trung rà soát cơ chế, chính sách, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách khả thi phù hợp để tháo gỡ “điểm nghẽn” thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC, giai đoạn 2020 - 2025.
* Tỉnh xác định thế mạnh nào để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, thưa ông?
- Trước hết, chúng ta phải xác định rằng trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta có lợi thế cạnh tranh đối với sản phẩm gà giống. Tỉnh ta đã có các DN lớn như Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, Công ty TNHH Gà giống Cao Khanh đầu tư phát triển sản xuất, cung cấp hàng trăm triệu gà giống một ngày tuổi mỗi năm.
Đến nay, tỉnh đã có 14 DN chăn nuôi theo hướng CNC (2 DN chăn nuôi gà, 1 DN nuôi bò sữa và 11 DN chăn nuôi heo); 65 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh, VietGAP.
Tỉnh khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào chăn nuôi và kêu gọi được 3 DN FDI đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo, liên kết chăn nuôi theo hình thức gia công với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, sử dụng CNC, truy xuất nguồn gốc.
Về Thủy sản, tỉnh đã phê duyệt đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm xã Mỹ Thành, trình Chính phủ bổ sung vào khu nông nghiệp ứng dụng CNC quốc gia. Đồng thời, lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm xã Mỹ Thành đảm bảo tính chất hoạt động theo định hướng khu nông nghiệp ứng dụng CNC để thu hút đầu tư. Đến nay, đã có 2 DN đầu tư nuôi tôm ứng dụng CNC là Công ty TNHH Thành Ly (48 ha tại vùng nuôi xã Cát Thành) và Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ (116,34 ha tại Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm xã Mỹ Thành).
* Phát triển nông nghiệp CNC cần thiết phải tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tỉnh đã có những giải pháp nào?
- Giải pháp quan trọng nhất là cơ chế, chính sách triển khai phải khả thi, phù hợp, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp CNC.
Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gồm công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn và sử dụng giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao; kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, xử lý môi trường; hoàn thiện hệ thống tưới. Tập trung xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp.
Tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tham mưu ngay trong năm 2022 ban hành các chính sách khuyến khích ứng dụng CNC vào sản xuất trồng trọt; khuyến khích đầu tư, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản CNC; khuyến khích đầu tư trồng rừng cây gỗ lớn; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm; xây dựng mạng lưới thương mại điện tử, chuyển đổi số trong nông nghiệp…
* Xin cảm ơn ông!
T.HIỀN - T.SỸ - T.DỊU - N.NHUẬN