Những tuyệt kỹ của môn phái Long Hổ Không Hồng
Với sự kế thừa của những con người tâm huyết, dù hơn 400 năm đã trôi qua, môn phái Long Hổ Không Hồng vẫn gìn giữ được nhiều tuyệt kỹ võ thuật. Bên cạnh đó, nhiều thế hệ võ sư, võ sinh của môn phái đã đóng góp rất lớn vào thành tích của võ cổ truyền Bình Định ở đấu trường quốc gia.
GÌN GIỮ TINH HOA VÕ THUẬT
Theo ghi chép của môn phái Long Hổ Không Hồng, người sáng lập môn phái là tổ Hư Minh (tên thật là Nguyễn Minh Khôi, SN 1518). Sau khi cha, mẹ lần lượt qua đời, năm 16 tuổi, Hư Minh di chuyển vào phía Nam, ở cùng gia đình người quen của cha, được cho học cả văn lẫn võ. Qua 27 năm tìm thầy học tập và nghiên cứu bí chiêu võ thuật của các trang dũng tướng qua nhiều triều đại, năm 1561, ông chú tâm biên soạn thành hệ thống từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, đều theo quy luật bát quái ngũ hành. Sau 6 năm miệt mài, ông đã cho ra đời cuốn Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp. Để lưu giữ những bí kíp vô giá của cha ông, trong giai đoạn đất nước nhiều biến động, năm 1579, ông lập nên môn phái Long Hổ Không Hồng, thâu nạp đệ tử, tổ chức truyền dạy.
Từng là học trò của võ sư cao cấp Võ Văn Tính khi còn ở chùa Long Phước, đến nay, VĐV Trần Thị Thảo Hiền đã giành được rất nhiều thành công ở các giải quốc gia. Ảnh: NVCC
Người lưu giữ cuốn Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp hiện nay chính là võ sư Nguyễn Đông Hải. Năm 1979, khi vừa tròn 12 tuổi, Đông Hải xuất gia, tu tập tại chùa Lộc Sơn (xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn). Tại đây, ông được sư phụ là Thượng tọa Thích Tịnh Quang, hiệu Hư Linh Thông - chưởng môn đời thứ 12 của Long Hổ Không Hồng - truyền cho nhiều tuyệt kỹ của môn phái. Theo võ sư Đông Hải, cuốn bí kíp này không chỉ ghi lại những bài võ một cách đơn thuần, mà còn thể hiện những chiêu pháp, đòn thế và cả cách dùng binh của các danh thần võ tướng nước ta ở nhiều thời kỳ.
Tại chùa Lộc Sơn, võ sư Đông Hải (hiệu Hư Linh Tử), người sau này trở thành chưởng môn đời thứ 13 của Long Hổ Không Hồng, còn được tìm hiểu cuốn Tây Sơn danh tướng bí kíp mộ hồn thao, với các bài võ của các danh tướng nhà Tây Sơn. Đây là cuốn sách do Nguyễn Trung Như (Hư Linh Ẩn) - một võ tướng thời Tây Sơn và là chưởng môn đời thứ 8 của hệ phái- ghi chép lại. Trong đó có các bài võ nổi tiếng như: Nghiêm thương của Nguyễn Huệ, Hiệp hộ đàn thương của Nguyễn Trung Như, Song phượng kiếm của Bùi Thị Xuân, Lôi phong tùy hình kiếm của Trần Quang Diệu, Lôi long đao của Võ Văn Dũng, Hùng kê quyền của Nguyễn Lữ...
Hàng trăm bài võ trong 2 tập sách bằng chữ Hán này được võ sư Nguyễn Đông Hải dịch ra, tập luyện rồi truyền lại cho nhiều thế hệ võ sinh ở chùa Long Phước, ở xã Phước Thuận, Tuy Phước, nơi ông chuyển đến tu tập và dạy võ từ năm 1987, trong đó có 3 đệ tử xuất sắc gồm: Trần Duy Linh, Võ Văn Tính, Nguyễn Đức Thắng. Một trong những bài võ đặc sắc trong cuốn Tây Sơn danh tướng bí kíp mộ hồn thao là Lôi long đao của đô đốc Võ Văn Dũng. Đến nay, người biểu diễn thành công nhất bài này chính là võ sư cao cấp Trần Duy Linh. Bài võ gồm 66 thức, với 8 câu thiệu nhưng đầy uy lực và uyển chuyển, tính sát thương rất cao.
RẠNG DANH TRÊN ĐẤU TRƯỜNG QUỐC GIA
Trong 3 học trò xuất sắc ở những lứa đầu tiên của võ sư Nguyễn Đông Hải, tên tuổi của Nguyễn Ðức Thắng gắn liền với bài U linh thương; Trần Duy Linh mạnh mẽ, thần thái khi biểu diễn Lôi long đao; Võ Văn Tính thuần thục bài Xích đảnh hồng sơn...
Võ sư cao cấp Trần Duy Linh, Quyền Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, kể: Những năm tháng ở chùa Long Phước, sư phụ Nguyễn Đông Hải dành rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm cuốn Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp. Nhiều hôm thức giấc lúc 1 - 2 giờ sáng, tôi vẫn thấy sư phụ ngồi đọc sách. Khi dạy, ông yêu cầu học trò phải thuần thục tất cả động tác cơ bản, do đó, khi ráp nối vào các bài quyền hay binh khí đều tạo nên những đường nét chuẩn mực.
Khi môn võ cổ truyền của Indonesia là pencak silat vừa du nhập vào Việt Nam, bằng kiến thức võ thuật uyên thâm của mình, võ sư Nguyễn Đông Hải đã phân tích các đòn thế. Nhờ sự chỉ dạy của ông, người em ruột cũng là học trò Nguyễn Đức Thắng (hiện là Chủ tịch Hội Võ thuật TX An Nhơn) đã xuất sắc đoạt tấm HCĐ đối kháng môn pencak silat tại SEA Games năm 1997 ngay trong lần đầu tham gia.
Võ sư cao cấp Võ Văn Tính, HLV nội dung hội thi đội tuyển võ cổ truyền Bình Định, cho biết, trong Ngũ phép hành trì (được xem như nội quy của môn phái, yêu cầu phải có ở người học võ), ngoài những điều răn dạy về lòng hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em còn có một điều rất quan trọng, được coi là “tôn chỉ” của môn phái, là: “Nếu gặp người oán hay người hung bạo, rủi xúc phạm thì tìm đường lánh khỏi. Nếu kẻ kia hung cường mà lỡ thất thế thì phải nương tay, đừng đem lòng hiểm độc”.
Đào tạo nên lứa học trò xuất sắc gồm Trần Duy Linh, Võ Văn Tính, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Thị Kim Huệ..., đầu những năm 2000, võ sư Nguyễn Đông Hải được Sở TDTT (cũ) mời về phụ trách đội tuyển quyền thuật của tỉnh. Năm 1991, khi giải vô địch võ cổ truyền quốc gia được tổ chức lần đầu tiên, các đoàn tham dự đã vô cùng ngạc nhiên và thán phục khi chứng kiến những bài đối luyện có tốc độ cao, uyển chuyển, nhuần nhuyễn do các VĐV Bình Định biểu diễn.
Sau đó, các học trò của võ sư Nguyễn Đông Hải là Trần Duy Linh, Võ Văn Tính tiếp tục công việc dìu dắt các thế hệ VĐV trẻ, giành nhiều thành tích xuất sắc ở đấu trường quốc gia trong 2 thập niên qua. Những cái tên như Nguyễn Quốc Sỹ, Phạm Đình Khiêm, Mai Thanh Tuấn, Trần Thị Trà Huy, Trần Thị Tuyết Trinh, Trần Thị Thảo Hiền... đều ít nhiều kế thừa dòng võ của Long Hổ Không Hồng.
Một học trò xuất sắc khác của môn phái Long Hổ Không Hồng là Nguyễn Phi Phụng, sau những năm cống hiến cho đội tuyển võ cổ truyền Bình Định đã vào lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, hiện là HLV nội dung hội thi đội tuyển võ cổ truyền tỉnh Bình Dương. Trong khi đó, sau thời gian gắn bó với đội tuyển tỉnh, võ sư Nguyễn Thị Kim Huệ quay về Tuy Phước, chuyên tâm công tác phát hiện, đào tạo cơ bản cho lớp võ sinh trẻ. Nhờ đó, đội tuyển quyền thuật Bình Định luôn có lực lượng kế thừa dồi dào, với nền tảng cơ bản tốt, nằm trong nhóm đầu ở các giải quốc gia nhiều năm qua.
ĐỨC MẠNH