Kỷ niệm với cây đa Bác Hồ trồng
Mỗi lần ra Hà Nội, tôi đều dành thời gian về thăm khu nhà cũ nơi có công viên Lý Tự Trọng, chỉ làm một việc - chiêm ngưỡng cây đa. Cây đa này đã gợi lại cho tôi những kỷ niệm yêu thương không thể quên của một thời đến nay đã qua 60 năm.
Bác Hồ trồng cây ở công viên Thống Nhất, Hà Nội, ngày 11.1.1960. Ảnh tư liệu
Đó là vào những năm giữa thế kỷ XX, tía má tôi sống và làm việc tại Hà Nội, nhà ở số 4 đường Thụy Khuê, sát hồ Tây. Thường vào ngày Chủ nhật, ngày lễ, nhà tía má tôi rất đông khách đồng hương miền Nam tập kết ra Bắc đến thăm chơi. Các cô chú trò chuyện và thăm hỏi nhau về gia đình, về công việc… cho ấm lòng và cũng là để xoa vợi nỗi nhớ quê hương ruột thịt.
Năm 1961, sáng mồng 2 tết Nguyên đán, nhà tôi đã đón được nhiều người. Có chú Hồ Quý, chú Lại, chú Khang, anh Am, anh Lâm Đường, còn có anh Hồ Tấn người dân tộc Bana... Có cả cậu Huy ở tận Bắc Giang cũng về. Nhà tôi có tía má, cùng hai anh em tôi. Buổi trò chuyện cùng bánh mứt kẹo ít ỏi thời bao cấp nhưng đậm đà tình nghĩa. Tôi là một bé con lớp 5, nhưng cũng đã được việc luôn nấu nước pha trà cho các cụ hàn huyên. Hồi ấy cậu Huy công tác ở Bắc Giang. Chiều thứ Sáu nào cậu cũng cố gắng đạp xe đạp 50 cây số về Hà Nội để kịp học tại chức kỹ sư thủy lợi, Trường ĐH Thủy Lợi. Học hai ngày đêm thứ Bảy, Chủ nhật, rồi tinh mơ sáng thứ Hai lại tức tốc cùng con ngựa sắt ngược về Bắc Giang cho kịp buổi làm việc đầu tuần…
Sáng mùng 2 Tết ấy, giữa buổi cậu Huy mời mọi người cùng ra vườn hoa Thanh Niên gần nhà để chụp mấy kiểu ảnh kỷ niệm. Vườn hoa này cũng vừa khánh thành trước Tết. Những vồng hoa bươm bướm, hoa cúc, hoa hồng đã kịp nở rực rỡ đón xuân. Đi ngắm hoa loanh quanh một hồi, cả nhà cùng dừng lại trước một cây đa nhỏ, cao cao, mảnh khảnh, là cây cao duy nhất được trồng ở giữa vườn hoa này và lấy khung cảnh ấy làm nền cho tấm ảnh…
Gia đình tác giả bên cây đa Bác Hồ trồng. Ảnh: NVCC
Vậy mà không ngờ, qua bao năm tháng nhiều lần thay đổi chỗ ở, đi sơ tán nơi này nơi nọ do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ… tấm ảnh kỷ niệm vẫn còn mãi với chúng tôi. Và rất vui là tấm ảnh còn có một ý nghĩa đặc biệt là lưu giữ được hình ảnh non tơ của một cây đa - chính là một cây đa trong 6 cây đa Bác Hồ đã trồng trong phong trào “Tết trồng cây” mà Bác đã phát động từ năm 1960.
Trong tết đầu tiên phát động phong trào “Tết trồng cây” Bác đã trồng một cây đa ở công viên Bảy Mẫu (tức Công viên Thống Nhất). Từ đó “Tết trồng cây” đã trở thành truyền thống đẹp của nhân dân Hà Nội và cả nước. “Tết trồng cây” năm sau - năm 1961, Người đã trồng thêm cây đa mà chúng tôi đã chọn làm cảnh nền cho bức ảnh của mình. Cây đa này được trồng ở giữa vườn hoa Thanh niên. Vườn hoa nằm ven hồ Tây, có hai mặt giáp góc đầu đường Thụy Khuê và đường Cổ Ngư (sau đổi tên là đường Thanh Niên). Vườn hoa Thanh niên sau này có dựng tượng đài người thanh niên yêu nước Lý Tự Trọng nên đổi tên là công viên Lý Tự Trọng.
Sau cây đa này, được biết Bác Hồ còn trồng cây đa trong rừng ven khu công nghiệp Đông Anh (huyện Đông Anh); cây đa trồng ở phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm)… và cây đa cuối cùng Người trồng là cây đa ở đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, TP Hà Nội năm 1969. Như vậy kể từ năm Bác khởi xướng “Tết trồng cây” từ 1960 đến 1969, Bác đã sáu lần trực tiếp tham gia trồng cây. Điều đặc biệt là sáu lần Bác đều trồng cây đa mà không trồng loại cây nào khác.
Những người trong ảnh đã chứng kiến sự có mặt mang ý nghĩa lịch sử của cây đa này vào mùa xuân 1961 ấy, ngoài tía má tôi cao tuổi, còn các anh các chú, từ năm 1962 theo tiếng gọi của quê hương đã đều lần lượt trở về miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; nhiều người đã hy sinh xương máu để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc và thống nhất đất nước…
Cũng như tất cả các cây đa Bác trồng trong các dịp “Tết trồng cây” đều đã vươn cao xòe tán, cây đa Bác trồng ở vườn hoa Thanh Niên năm 1961, nay cành nhánh thật sum suê, tạo thêm vẻ đẹp cho thủ đô, tỏa bóng mát xanh tươi như lời Người căn dặn các thế hệ sau chuyên cần nhân lên màu xanh cho đất nước.
BÙI THỊ XUÂN MAI