Hoàng đế Quang Trung cải cách để tự cường
Trong thời gian trị vì (từ cuối năm 1788 đến tháng 9.1792), Hoàng đế Quang Trung đã ban hành và thực thi nhiều chính sách quản lý kinh tế tiến bộ, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng sau một thời gian dài nội chiến và đem đến cuộc sống ấm no, ổn định cho nhân dân.
Cải cách, mở cửa, khoan thư sức dân
Ngay sau khi đại phá quân Thanh, Hoàng đế Quang Trung đã bắt tay vào thực thi các chính sách về kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao... với tư tưởng đổi mới, tinh thần kiên quyết và mạnh mẽ. Trong đó, chính sách quản lý kinh tế được ông ưu tiên thực thi như một biện pháp cấp bách hàng đầu.
Để nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp, năm 1789, Hoàng đế Quang Trung ban bố “Chiếu khuyến nông”, trong đó quy định dân lưu tán phải trở về quê quán để sinh sống; làng xã phải cung cấp ruộng đất công cho họ cày cấy; đảm bảo chia ruộng đất một cách công bằng.
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Hoàng đế Quang Trung khuyến khích phục hồi và mở rộng các làng thủ công, ban hành sắc lệnh “Khoan thư sức dân”, bãi bỏ thuế điệu (thuế thủ công) cho nhân dân từ sông Gianh trở ra. Ông thể hiện rõ quan điểm nền kinh tế đất nước phải xây dựng trên nền tảng độc lập, tự cường để có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa nhằm không ngừng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phát triển kinh tế quốc gia.
Hoàng đế Quang Trung cương quyết xóa bỏ chính sách “ức thương - bế quan tỏa cảng” đã tồn tại ở Đại Việt trước đó hàng 3 - 4 thế kỷ. Tư tưởng thông thương tiến bộ của Quang Trung đã thể hiện nhãn quan kinh tế rộng mở, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại, tạo thế ba chân của ba ngành kinh tế nông - công - thương rất vững chắc. Sự phát triển đó đã đưa nền kinh tế nước ta ngang bằng với Nhật Bản đương thời.
Hoàng đế Quang Trung cũng chủ động viết thư cho Tổng đốc vùng Lưỡng Quảng (nhà Thanh) đề nghị “khai quan, thông thị sử bách hóa vô ủng, dĩ lợi dân dụng”. Nghĩa là “mở cửa ải, thông chợ búa khiến hàng hóa không ngưng đọng để làm lợi dân dùng”. Trên cơ sở yêu cầu đó, nhà Thanh đã cho mở cửa ải cho thương nhân người Hoa sang buôn bán; lập ra nhiều phố xá như Kì Lừa, Mục Mã, Hoa Sơn… và lập ra hai cửa hiệu Thái Hòa, Phong Thịnh để buôn bán. Nhờ chính sách mở cửa của Quang Trung, nhân dân hai nước tự do đi lại trao đổi buôn bán và nhiều thuyền buôn Trung Quốc đã đến Phú Xuân để giao thương.
Theo tinh thần bớt thuế, thương dân, Hoàng đế Quang Trung đã cho thi hành một chế độ thuế khóa đơn giản, bãi bỏ và giảm nhẹ nhiều thứ thuế phức tạp trước đó. Các loại thuế đinh, thổ sản, công thương đều được giảm nhẹ hoặc bãi bỏ. Việc thông thương với Trung Quốc vùng biên giới được miễn thuế hoàn toàn. Thuế ruộng đất công, tư đều được triều đình xem xét phân hạng theo mức sản xuất hằng năm và chia hạng nộp thuế bằng lúa, hoặc có thể bằng tiền, tính theo thời giá. Hoàng đế Quang Trung còn có quy định thập vật tiền (tiền trả cho người đứng thu thuế), khoán khố tiền (tiền tồn kho) và mức thuế cụ thể. Ai thu vượt quá quy định sẽ bị xử vào tội tham nhũng. Ông còn cho đúc tiền mới để tiêu dùng...
Những bài học kinh nghiệm cho ngày nay
Các chính sách về kinh tế của Hoàng đế Quang Trung không chỉ đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng sau một thời gian dài nội chiến, đem đến cuộc sống ấm no, ổn định cho nhân dân, đặt nền móng cho một chế độ, một vương triều được dân chúng ủng hộ và hướng đến nhất mà còn góp phần nâng cao địa vị và uy tín của Đại Việt trong mối quan hệ với các nước trong khu vực đương thời. Đó là những bài học mà ngày nay chúng ta cần học hỏi.
Thứ nhất, Hoàng đế Quang Trung rất coi trọng phục hồi và phát triển kinh tế nông nghiệp. Ông ban “Chiếu khuyến nông” và giao trách nhiệm cho quan địa phương chia ruộng đất cho người dân phiêu tán trở về quê cũ làm ăn, nếu không làm được sẽ bị phạt tội, giáng chức. Ngày nay, chính sách nông nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng ban hành và đổi mới kịp thời với yêu cầu xã hội. Trong đó, tư tưởng quản lý của Quang Trung sẽ là những gợi ý quý báu cho lãnh đạo các địa phương trong giải quyết công ăn việc làm, cấp ruộng cho người dân từ thành phố trở về quê trong đại dịch Covid-19. Và nên chăng, chúng ta cũng cần đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương về việc giải quyết vấn đề này như thế nào.
Thứ hai, trong công nghiệp, chủ trương của Hoàng đế Quang Trung thể hiện ở sắc lệnh “Khoan thư sức dân” - bãi hoàn toàn thuế điệu cho nhân dân, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế công nghiệp. Ngày nay, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt đối với sản xuất công nghiệp, miễn giảm thuế cho DN. Tuy nhiên, hiện tượng thuế chồng thuế, phí chồng thuế vẫn còn diễn ra. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất chưa đủ để khuyến khích DN mở rộng đầu tư phát triển những lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Việc thu đúng, thu đủ để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách luôn phải được tuân thủ, nhưng cũng cần căn cứ vào từng thời điểm, từng ngành nghề để đưa ra mức thuế hoặc điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp.
Thứ ba, trong thương nghiệp, Hoàng đế Quang Trung thực hiện chính sách “mở cửa ải thông chợ búa” khiến hàng hóa không bị ngưng đọng, có lợi cho tiêu dùng của người dân, đẩy mạnh việc tiếp xúc với nền kinh tế tư bản phương Tây. Bài học “thông chợ búa” giúp nhân dân trong nước trao đổi mua bán sản phẩm của mình làm ra đã được áp dụng ở Việt Nam ngay giai đoạn sau năm 1986. Từ đó đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển...
Tuy nhiên, trong mối quan hệ giao thương với Trung Quốc, Việt Nam vẫn còn chưa thoát khỏi sự lệ thuộc về nguồn nguyên liệu cũng như thị trường của họ. Do đó, Việt Nam rất cần có biện pháp hữu hiệu để nâng cao sức mạnh kinh tế trong nước; cần xây dựng một “tư thế làm chủ” trong mối quan hệ giao thương với Trung Quốc theo quan điểm của Hoàng đế Quang Trung: “Tôi muốn khí dụng gì cũng chẳng phải mua của nước Tàu”.
Riêng trong quan hệ giao thương với các nước phương Tây, Việt Nam đã và đang gặt hái nhiều thành công. Nếu thời Hoàng đế Quang Trung, mối quan hệ ấy chủ yếu chỉ với Hà Lan, Bồ Đào Nha thì đến nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký nhiều hiệp định hợp tác đa phương và song phương với nhiều quốc gia trên thế giới. Đảng và Nhà nước không những thực hiện được “hoài bão lớn lao” của Hoàng đế Quang Trung là “đẩy mạnh việc tiếp xúc với nền kinh tế tư bản phương Tây” mà còn đang đưa nền kinh tế Việt Nam từng bước hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để có thể hội nhập và thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới chủ trương, chính sách cho phù hợp với xu thế chung, vừa phát huy hơn nữa “vị thế tự cường” như Hoàng đế Quang Trung đã thực hiện.
Hoàng đế Quang Trung đã tạo được thế ba chân của ba ngành kinh tế nông - công - thương rất vững chắc. Ngày nay, Việt Nam cần tập trung thực hiện quyết liệt, sâu sắc hơn tái cấu trúc kinh tế theo ba trục là công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ - thương mại. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn; ưu tiên các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp - nông thôn, sản xuất hàng hóa chủ lực quy mô lớn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, phát triển DN. Phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, tăng cường phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Nâng cao hiệu lực, siết chặt kỷ cương công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
TS NGUYỄN THỊ THU HÒA (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)