190 năm tên gọi tỉnh Bình Định: Lời vui chắp nhặt…
Từ khi trở thành cương vực lãnh thổ vĩnh viễn của nước ta, vùng đất Bình Định từng có nhiều tên gọi khác nhau, từng là một phủ của dinh Quảng Nam, rồi là một dinh, một trấn. Đến năm 1832 mới trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh - đến nay là đúng 190 năm.
Từ trấn đến tỉnh
Theo sử liệu, từ mùa xuân năm Tân Mão (1471), bằng cuộc thân chinh của vua Lê Thánh Tông, vùng đất từ đèo Bình Đê tới đèo Cù Mông, được đặt tên là phủ Hoài Nhơn (Nhân), với 3 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, thuộc Thừa tuyên Quảng Nam. Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, có thể tóm lược danh xưng và các chức quan cai trị ở vùng đất này vào các thời kỳ sau đó, như sau: Năm Nhâm Dần, thời Lê Hoằng Định thứ 5 (1604), đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Qui Nhơn; năm Tân Mão (1651) đổi thành phủ Qui Ninh; năm Nhâm Tuất (1742) đổi lại thành phủ Qui Nhơn; năm Kỷ Mùi (1799), đổi thành Qui Nhơn thành thành Bình Định. Năm 1802, Gia Long đặt dinh Bình Định, có án phủ Qui Nhơn và các quan công đường, gồm: Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục. Năm Gia Long thứ 7 (1809), đổi dinh Bình Định thành trấn Bình Định. Năm 1811, đổi Lưu thủ thành Trấn thủ. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), đặt Tri phủ Qui Nhơn. Năm 1827, đổi Cai bạ và Ký lục thành Hiệp trấn và Tham hiệp. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), chia địa hạt các tỉnh từ Quảng Nam vào, đổi TRẤN Bình Định thành TỈNH Bình Định, đặt chức Tổng đốc Bình - Phú, thống hạt 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên; quan văn thì đặt Bố chánh sứ và Án sát sứ; quan võ thì đặt chức Lãnh binh.
Cổng thành phía Đông của thành Bình Định, khoảng năm 1920 - 1929. Ảnh tư liệu
Về sự kiện này, Đại Nam thực lục, chính biên, đệ nhị kỷ, quyển LXXXV, ghi rõ: Khi chia tỉnh hạt vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832), “tỉnh Bình Định thống trị 2 phủ An Nhơn (Nhân), Hoài Nhơn và 5 huyện: Tuy Viễn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Bồng Sơn; nguyên huyện Phù Ly chia làm 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ đặt riêng làm phủ An Nhơn. Ba huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Bồng Sơn vẫn để là phủ Hoài Nhơn”.
Các quan chức nào cai quản tỉnh Bình Định từ lúc lập tỉnh?
Cũng theo ghi chép trong Đại Nam thực lục, vào cuối năm 1831 sang đầu năm 1832, tức lúc chuẩn bị thành lập tỉnh, tại trấn Bình Định có Trấn thủ là Chưởng cơ Trương Vân Chính; Hiệp trấn Bình Định đương thời là Hoàng Văn Quyền (nhưng ngay sau đó được điều về làm Thị lang Bộ Binh, rồi làm Tuần vũ Lạng - Bình [tức Lạng Sơn và Cao Bằng], kiêm Bố chánh sứ Lạng Sơn); Tham hiệp Bình Định là Trịnh Đường được thăng lên làm Hiệp trấn; Thự Lang trung Bộ Binh là Tô Thọ Đức được bổ làm Tham hiệp Bình Định. Riêng Trấn thủ Trương Vân Chính, vì lớn tuổi, nên được cho nghỉ hưu.
Vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 13 (1832), cùng với việc cho lập đơn vị hành chính cấp tỉnh phía Nam, vua Minh Mạng cho bãi bỏ các chức Trấn thủ, Hiệp trấn, Tham hiệp, cho đặt lại hệ thống quan chức, gồm các quan Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát, Lãnh binh. Tổng đốc Thanh Hoa (sau này đổi là Thanh Hóa) là Đoàn Văn Trường được điểu chuyển làm Tổng đốc Bình- Phú, kiêm Tuần phủ Bình Định. Hiệp trấn Bình Định là Trịnh Đường được đổi là Thự Bố chánh sứ. Thự Lang trung Bộ Binh hiệp lý Binh tào thành Gia Định là Nguyễn Tử Cư được cử làm Thự Án sát sứ Bình Định. Trấn thủ Định Tường là Lê Sách cho hàm Vệ úy, trật Chánh tam phẩm, cùng Quản phủ Tiên Hưng là Nguyễn Thọ Tuấn được cho hàm Phó vệ úy, trật Tòng tam phẩm, được điều về Bình Định làm Lãnh binh và Phó lãnh binh.
Cùng với việc bổ nhiệm, sắp đặt các chức quan, địa hạt, nhà vua còn chú trọng đến quy tắc làm việc, phân rõ chức trách của từng viên quan khác nhau, như việc trình tấu chẳng hạn: Khi có việc chính sự lớn thì Tuần phủ, Tổng đốc cùng bàn bạc và ký chung một giấy rồi tâu lên, nếu có ý kiến khác nhau thì cho làm tờ tấu riêng; hai quan Bố chánh và Án sát tâu lên việc gì cũng phải trình báo cho quan Tổng đốc, Tuần vũ; nhưng nếu bị chèn ép, hoặc có ý kiến khác nhau thì được trình thẳng lên vua… Có tất cả 22 điều khoản khác nhau mà các quan chức địa phương phải phối hợp thực hiện. Việc đúc các ấn quan phòng cũng được quy định cụ thể. Ấn quan Tổng đốc, Tuần phủ bằng bạc, ấn triện Bố chánh, Án sát, Lãnh binh bằng đồng để tiện phân biệt cũng như dễ sử dụng.
Nơi đóng dinh thự
Trong Quyển thứ 9, mục “Thành trì”, sách Đại Nam nhất thống chí có ghi chép: Thành tỉnh Bình Định có “chu vi 603 trượng 8 thước, cao 1 trượng 1 thước, mở 3 cửa, hào rộng 7 trượng linh, sâu 6 thước 8 tấc, ở địa phận thôn Kim Châu và An Nghĩa huyện Tuy Viễn; đầu thời Gia Long nhân thành Chà Bàn cũ làm lị sở của dinh; năm Gia Long thứ 7 (1808) dời đến chỗ hiện nay, năm thứ 14 đắp bằng đất, năm thứ 16 xây bằng đá ong”.
Theo Quách Tấn trong Nước non Bình Định, từ năm Gia Long thứ 12 (1813) tỉnh thành Bình Định được dời vào ngay địa điểm 2 thôn An Ngãi và Liêm Trực (ở phía Nam, nay thuộc phường Bình Định, TX An Nhơn). Quách Tấn mô tả: Thành Bình Định xây toàn bằng đá ong (lấy từ thành cũ), “chu vi trên 3 cây số, cao 3 thước rưỡi tây, dày gần 1 thước (phần ở trên đầu thành, còn phía chân thành dày đến hơn mươi thước; có 4 cửa, xây cổ lầu; bốn mặt thành có hào sâu; bên trong có các dinh thự của các quan, và cả Hành cung; các tòa ngang, dãy dọc tráng lệ, nguy nga. Tuy nhiên, theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của nội các triều Nguyễn, thì về thời điểm xây dựng thành Bình Định có khác chút ít. Công đường quan Tổng đốc, Bố chánh, Án sát, nhà trước nhà sau, đều một tòa, được dựng năm Gia Long thứ 13 (1814); riêng các Ty Phiên (dinh Bố chánh), Ty Niết (dinh Án sát), Lãnh binh, đều chung một tòa, được dựng năm Minh Mạng thứ 7 (1826).
Từ lúc thành lập tỉnh (1832), trị sở của tỉnh Bình Định đã được xây kiên cố, đầy đủ các dinh thự, tráng lệ, nguy nga, như Quách Tấn đã viết. Tiếc rằng, cho đến nay, chỉ còn lại một ít dấu vết của cổ thành này.
Ngoài các vấn đề nêu trên, cũng vào thời gian thành lập tỉnh, tỉnh Bình Định còn đặt thêm các quan tri phủ, tri huyện, giao Tri phủ Hoài Nhơn kiêm lý huyện Phù Cát, thống hạt hai huyện Phù Mỹ và Bồng Sơn; Tri phủ An Nhơn kiêm lý huyện Tuy Viễn, thống hạt huyện Tuy Phước; mộ thêm quân thủy cơ để có đủ số cho thưởng làm Cai đội, chuẩn bị duyệt tuyển binh, chuẩn cho các viên coi các tấn sở ở các cửa biển Thị Nại, An Dụ, Phụng Kiều, lập các kho bãi, trại lính, dịch trạm…
Nhân đón xuân Nhâm Dần - 2022, ghi lại đôi điều về mốc lịch sử quan trọng này. Hy vọng Bình Định sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm thiết thực nhân 190 năm thành lập tỉnh, như triển lãm, hội thảo, xuất bản sách…, để ôn lại lịch sử truyền thống, để nhìn nhận lại thành quả lớn lao của tỉnh trong 190 năm qua và hướng tới một tương lai phát triển vững bền, thịnh vượng.
TS NGUYỄN ĐĂNG VŨ