Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Tại hội nghị này, một lần nữa Đảng ta khẳng định quan điểm xuyên suốt từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946) đến nay, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.
Kế thừa thành quả của hàng nghìn năm
Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: Yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…
Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một chân lý: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” và “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”.
Ngày 24.11.1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
- Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn Ca múa nhân dân. Ảnh tư liệu
Đến tháng 7.1948, tại Việt Bắc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai. Trong thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị, Người nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng”.
Trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (năm 1960), Đảng ta xác định văn hóa, tư tưởng là một cuộc cách mạng, tiến hành đồng thời gắn bó chặt chẽ với cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học kỹ thuật. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12.1976) xác định xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hóa mới…, tiến hành đấu tranh chống tư tưởng và sản phẩm văn hóa phản động, độc hại.
Đại hội V của Đảng (tháng 3.1982) chỉ rõ nền văn hóa mới mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân sâu sắc, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Sức mạnh nội sinh của dân tộc
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) khẳng định: “Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật; xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc”.
Năm 1991, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, Đảng trình Đại hội VII Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể. Đây là nghị quyết bổ sung, hoàn thiện một bước quan trọng đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam phù hợp với thực tiễn đất nước trong giai đoạn mới, với xu hướng phát triển của thời đại từ quan niệm về văn hóa; vị thế, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển; từ quan điểm chỉ đạo đến mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cơ bản để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đại hội lần thứ IX của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển KT - XH”. Quan điểm này được làm sâu sắc hơn trong văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó khẳng định “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.
Cuối nhiệm kỳ khóa XII, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 76-KL/TW (ngày 4.6.2020) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Động lực quan trọng phát triển đất nước
Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của văn hóa, luôn luôn coi văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng, là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”.
Nhờ vậy, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay.
Tại Hội nghị văn hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa khẳng định: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.
“Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi!”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Có thể nói, hội nghị văn hóa toàn quốc lần này không chỉ tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng ta về văn hóa, luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển, là ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi; mà còn là nền tảng để phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
MINH QUANG